Vấn đề thiếu hụt kỹ thuật viên thang máy đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới do nhu cầu lắp mới và hiện đại hóa thang cũ tăng cao. Việc sở hữu chứng chỉ đào tạo thang máy quốc tế sẽ trở thành “tấm vé thông hành”, giúp người lao động gia nhập thị trường lao động đầy tiềm năng này.
Hiện Việt Nam có khoảng 400.000 thang máy đang hoạt động, với nhu cầu lắp đặt mới lên đến 35.000 thang mỗi năm. Nhu cầu này dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.
Tính một cách cơ học, để đáp ứng nhu cầu vận hành, bảo trì và sửa chữa, ngành thang máy cần khoảng 16.000 kỹ thuật viên (tính trung bình 1 kỹ thuật viên cho 25 thang máy). Nhu cầu cho công tác lắp đặt cũng rất lớn, với dự kiến cần đến 5.000 nhân viên (tính trung bình 7 nhân viên cho 1 thang máy).
Mặc dù nhu cầu nhân lực cao cùng với tính chất công việc liên quan trực tiếp tới vấn đề an toàn, ngành thang máy Việt Nam hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về trình độ chuyên môn hay cơ sở đào tạo chuyên ngành bài bản. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng nhân lực ngành thang máy.
Để giải quyết bài toán này, giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng. Một trong những lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội Thang máy Việt Nam là tổ chức đào tạo, dạy nghề, thúc đẩy, nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn và kỹ thuật cho thang máy, thang cuốn tại Việt Nam.
Xem thêm: đào tạo nghề thang máy - cách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy
Với mục tiêu nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực thang máy, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) và Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy thời gian qua đã tích cực đẩy mạnh hợp tác với trường Đại học Thang máy Hàn Quốc (KLC - Korea Lift College) – trường học duy nhất trên thế giới chuyên về thang máy, tiến tới thành lập trung tâm đào tạo thang máy tại Việt Nam.
Với kinh nghiệm gần 15 năm trong giáo dục đào tạo chuyên ngành thang máy, trường Đại học Thang máy Hàn Quốc luôn ghi nhận tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm cao nhất, là “cái nôi” cung ứng nhân tài cho các doanh nghiệp quốc tế như Otis, Hyundai,…
Ông Nguyễn Huy Tiến, Tổng Thư ký VNEA cho biết: “Các công việc chuẩn bị cho công tác đào tạo chuyên ngành kỹ thuật thang máy như chương trình đào tạo; đội ngũ chuyên gia, giảng viên trong nước và quốc tế; hạ tầng phục vụ thực hành,... đang từng bước được đẩy mạnh và hoàn thiện.”
Cũng theo ông Nguyễn Huy Tiến, toàn bộ chương trình lý thuyết và đào tạo thực hành được thực hiện tại trung tâm đào tạo thang máy của VNEA. Song song, các kiến thức lý thuyết và trải nghiệm hiện trường sẽ được củng cố thông qua các buổi đào tạo thực chiến tại các doanh nghiệp thang máy lớn. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo giữa VNEA và KLC, các học viên sẽ trải qua một kỳ sát hạch để được cấp chứng chỉ đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tất cả thông tin đào tạo của học viên sẽ được số hóa, tích hợp và lưu trữ trên Cổng Thông tin Hiệp hội. Thông qua việc tra cứu mã số chứng chỉ hoặc quét mã QR code học viên, doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng hay người tiêu dùng trên toàn quốc và quốc tế có thể tra cứu và kiểm tra dữ liệu về quá trình đào tạo, trình độ năng lực của kỹ thuật viên.
Việc được chuẩn hóa và sở hữu chứng chỉ đào tạo quốc tế do VNEA và trường KLC cấp giúp cánh cửa cơ hội nghề nghiệp của lao động ngành thang máy ngày càng rộng mở hơn. Không chỉ giúp học viên trở nên khác biệt và nổi bật trong thị trường lao động trong nước ngày càng cạnh tranh, mà còn mở ra cơ hội gia nhập thị trường lao động quốc tế đầy tiềm năng.
Theo thông tin từ VNEA, thời gian gần đây, Hiệp hội đã nhận được nhiều liên hệ từ các doanh nghiệp, hiệp hội thang máy tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore,... về nhu cầu tuyển dụng kỹ sư thang máy lành nghề tại Việt Nam ngày càng tăng cao, nguyên nhân đến từ sự thiếu hụt nhân lực lớn tại các quốc gia này.
Trong khi đó, Elevator World mới đây cũng phản ánh về tình trạng các bang Arizona, New York và Texas tại Mỹ đang thiếu hụt nghiêm trọng kỹ thuật viên thang máy lành nghề. Nhu cầu cao cho nhân lực trong lĩnh vực này xuất phát từ sự bùng nổ của các dự án xây dựng tại các bang này.
Trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực thang máy toàn cầu, Chứng chỉ Đào tạo Quốc tế do VNEA và KLC chính là “tấm vé thông hành” quan trọng của người lao động khi hội nhập vào thị trường lao động quốc tế.
Dựa trên phân tích dữ liệu từ báo cáo Thống kê Việc làm của Cục Thống kê Lao động Mỹ, Tạp chí Forbes đã đưa ra Top 10 ngành nghề có mức thu nhập cao nhất tại Mỹ trong năm 2023. Trong đó, thợ lắp đặt và sửa chữa thang máy là công việc có mức lương cao nhất trong ngành xây dựng.
Cụ thể, mức lương trung bình hàng năm của người lắp đặt và sửa chữa thang máy, thang cuốn là 93.960 USD (tương đương với hơn 2,3 tỷ VNĐ), mức lương trung bình mỗi giờ là 45,17 USD (tương đương với hơn 1,1 triệu VNĐ).
Dù vậy, với số lao động bước vào độ tuổi nghỉ hưu ngày càng gia tăng, tỷ lệ sinh thấp hay sự thay đổi chính sách nhập cư cũng như xu hướng lựa chọn việc làm đang khiến thị trường lao động nói chung tại nhiều quốc gia trên thế giới đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trầm trọng.
Có thể thấy, bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực thang máy chất lượng cao không chỉ là câu chuyện riêng của Việt Nam mà còn là vấn đề đáng lo ngại của nhiều quốc gia trên thế giới từ Mỹ, Anh, Đức tới Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore,...
Trong bối cảnh doanh nghiệp trong nước thiếu hụt nguồn nhân lực thang máy được đào tạo bài bản còn lao động xuất khẩu chủ yếu được tuyển chọn ở nông thôn sau đó đào tạo cấp tốc kỹ năng nghề tối thiểu, việc sở hữu Chứng chỉ Đào tạo Quốc tế do VNEA và KLC cấp là một lợi thế cạnh tranh lớn cho người lao động ngành thang máy dù ở thị trường trong nước hay quốc tế.
Khác với bộ phận lao động xuất khẩu với tay nghề sơ cấp, bổ túc sau khi về nước phải loay hoay với định hướng công việc của mình, Chương trình đào tạo của VNEA và KLC còn mở ra con đường sự nghiệp vững chắc cho các học viên tham gia, giúp họ có được việc làm ổn định, lâu dài với mức thu nhập hấp dẫn ngay tại địa phương của mình thông qua mạng lưới dịch vụ của Hiệp hội.
Hình ảnh Đoàn công tác của VNEA tới thăm quan và làm việc tại trường Đại học Thang máy Hàn Quốc
Đặc biệt, các học viên khi tham gia chương trình đào tạo của VNEA và KLC còn có cơ hội vừa học nghề, vừa làm việc tại các doanh nghiệp thang máy Hàn Quốc. Thông qua hoạt động này, học viên không chỉ tích lũy tài chính mà còn được nâng cao năng lực hiện trường của bản thân.
Sau khi hoàn thành chương trình tu nghiệp tại Hàn Quốc hoặc các quốc gia khác mà Hiệp hội hợp tác, đây sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, được các doanh nghiệp trong nước "săn đón".
Nhìn chung, chứng chỉ Đào tạo Quốc tế do VNEA và KLC cấp không chỉ chứng minh năng lực và trình độ chuyên môn của người lao động mà còn giúp họ dễ dàng bước qua vòng tuyển dụng vào các công ty, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế với mức lương hấp dẫn.
Xem thêm: chứng chỉ đào tạo kỹ thuật thang máy - những lợi ích và cơ hội khi được đào tạo chuyên môn về kỹ thuật thang máy
Ngành thang máy, thang cuốn đang trên đà phát triển mạnh mẽ với tiềm năng to lớn, kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng. Với sự vào cuộc tích cực của VNEA, các học viên kỹ thuật thang máy sẽ có cơ hội được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.