Tại Họp báo công bố Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy, đại diện các bên liên quan từ cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị giáo dục đào tạo, các doanh nghiệp và chủ sở hữu thang máy đều nhận định về lợi ích của Tiêu chuẩn cơ sở này.
Họp báo công bố Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) ngành thang máy diễn ra vào sáng ngày 27/3/2024 tại trụ sở VNEA
TCCS là tài liệu bổ khuyết cho hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia, tập trung vào giai đoạn vận hành và sử dụng thang máy – giai đoạn liên quan trực tiếp đến chủ sở hữu thang máy, người sử dụng và kỹ thuật viên thang máy.
Cùng đó, nhằm đưa tiêu chuẩn ứng dụng vào thực tế và mang lại kết quả thiết thực, VNEA cũng giới thiệu hai dự án tập trung cả vào thiết bị và con người.
Đối với thiết bị thang máy, dự án Mã định danh thang máy không chỉ tạo nên một hệ thống lưu trữ dữ liệu thang máy, từ các thông tin chung, lịch sử vận hành (kiểm định, bảo trì, sửa chữa, sự cố) mà còn có tính năng tương tác hai chiều, tạo nên một nền tảng để người sử dụng và chủ sở hữu thang máy trở thành “thanh tra nhân dân”, trực tiếp phản hồi về thực trạng thiết bị. Qua đây, việc nắm bắt các thông tin về thang máy không đảm bảo an toàn (nguồn gốc xuất xứ, tình trạng hợp quy, kiểm định, bảo trì,…) và nâng cao mức độ an toàn trong can thiệp, xử lý, ứng cứu khẩn cấp đều diễn ra dễ dàng hơn.
Các thông tin trên hệ thống truy xuất Mã định danh thang máy của VNEA
Còn đối với con người, chương trình cấp chứng chỉ kỹ thuật thang máy sẽ được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Để làm được điều này, Viện Ứng dụng Kỹ thuật Thang máy (VILEA) là cơ quan chuyên môn của VNEA đã nghiên cứu tham khảo từ tiêu chuẩn năng lực của các quốc gia phát triển, đồng thời khảo sát dựa trên kinh nghiệm thực tế của các doanh nghiệp Việt, để từ đó xây dựng nên bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề.
Có tiêu chuẩn kỹ năng nghề làm nền tảng, chương trình đào tạo và sát hạch kỹ thuật viên thang máy được tổ chức dựa trên nhu cầu thực tế. Điểm ưu việt của hệ thống chứng chỉ do VNEA triển khai là khả năng truy xuất dữ liệu trực tuyến trên cổng thông tin điện tử, qua đó, chủ sở hữu thang máy có thể lựa chọn và kiểm tra thông tin về trình độ chuyên môn, phẩn chất đạo đức,… trước khi tin tưởng và cho phép kỹ thuật viên thực hiện công việc với thiết bị thang máy của mình.
Xem thêm: Nghề thang máy và yêu cầu về đào tạo kỹ thuật thang máy
Hệ thống tra cứu trực tuyến chứng chỉ kỹ thuật viên thang máy
Nhận định về bộ tiêu chuẩn cũng như các dự án hành động của VNEA, đại diện các bên liên quan từ cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị giáo dục đào tạo, các doanh nghiệp và chủ sở hữu thang máy đều nhận định về lợi ích của Tiêu chuẩn cơ sở này.
Ông Vũ Tiến Thành Trưởng phòng Quy chuẩn kỹ thuật và Kiểm định kỹ thuật an toàn phát biểu tại Họp báo
Ông Vũ Tiến Thành cho biết Cục An toàn lao động đánh giá rất cao về dự án Mã định danh thang máy do VNEA thực hiện, đây cũng là vấn đề mà Cục và Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội tư duy từ nhiều năm nay.
“Thực tế chúng tôi đã xây dựng được hệ thống dữ liệu về kiểm định thang máy, nhưng để toàn diện cả về vận hành, sử dụng thì chưa. Nhưng đây vẫn là dự án khả thi, và nền tảng mã định danh thang máy của VNEA sẽ là sự hỗ trợ rất lớn.” – Ông Vũ Tiến Thành chia sẻ.
Ông Phùng Quang Minh - Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam đánh giá cao đề án xây dựng TCCS của VNEA
Đại diện Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, ông Phùng Quang Minh chia sẻ: “Tiêu chuẩn cơ sở là rất cần thiết bởi đáp ứng nhu cầu thực tế của ngành, của xã hội. Chúng tôi cũng đánh giá cao và ủng hộ VNEA trong việc xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở ngành, từ đó có thể đánh giá để nâng các tiêu chuẩn cơ sở này bổ sung vào hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.”
Ông Phạm Đại Nghĩa – Chủ tịch Công ty Cổ phần Điện máy Hà Nội, thành viên Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia chia sẻ tại Họp báo
Ông Phạm Đại Nghĩa cũng cho biết, hệ thống TCVN về thang máy tại Việt Nam hầu hết là tham khảo hoặc chuyển dịch hoàn toàn từ các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế như Tiêu chuẩn Châu Âu (EN) hay Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), việc xây dựng một tiêu chuẩn của riêng Việt Nam, phù hợp với các đặc tính sử dụng tại Việt Nam là rất hiếm. Do đó, TCCS của VNEA là một tín hiệu mừng, hứa hẹn nhiều lợi ích thiết thực hơn cho cả ngành thang máy Việt.
TS. NGƯT. Phạm Xuân Khánh – Bí thư đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ về lợi ích từ TCCS của VNEA với chương trình đào tạo nhân lực ngành thang máy
Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác đào tạo nhân lực cho ngành thang máy, TS. NGƯT. Phạm Xuân Khánh nhận định rằng tiêu chuẩn cơ sở ngành tạo ra nhiều thuận lợi hơn cho công tác đào tạo của các đơn vị giáo dục.
“Nếu trước đây chúng tôi phải tự tìm hiểu, nghiên cứu để xây dựng các tiêu chuẩn đầu ra cho sinh viên hướng đến làm việc trong ngành thang máy, thì nay, thông qua TCCS của Hiệp hội Thang máy Việt Nam, chúng tôi đã có căn cứ tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Từ đó, công tác đào tạo sẽ tiết kiệm chi phí hơn, chương trình đào tạo tập trung vào đúng nhu cầu của các doanh nghiệp và của ngành công nghiệp thang máy. Sinh viên ra trường được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, đáp ứng ngay yêu cầu công việc thay vì phải đào tạo đi, đào tạo lại giữa nhà trường và doanh nghiệp.”
ông Nguyễn Đình Đào – Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thuật Cơ điện CONINCO chia sẻ tại Họp báo
Cùng quan điểm về góc độ đào tạo nhân lực, ông Nguyễn Đình Đào cũng chia sẻ: “Là một công ty cung cấp dịch vụ thang máy, chúng tôi trước nay đều phải tự đào tạo nhân sự của mình. Chi phí cho việc đào tạo này không hề nhỏ. Do đó, khi nghe về chương trình đào tạo và cấp chứng chỉ kỹ thuật thang máy, tôi thấy rất mong chờ.”
Ngoài sự quan tâm về chứng chỉ kỹ thuật thang máy, ông Nguyễn Đình Đào cũng nhận định phụ lục khuyến cáo về tuổi thọ linh kiện thiết trong TCCS 01:2023/VNEA cũng vô cùng hữu ích. Đây sẽ là căn cứ tài liệu giải quyết được khó khăn khi các kỹ thuật viên tư vấn thay thế, sửa chữa linh kiện thiết bị cho khách hàng.
Ông Bùi Quốc Hưng – thành viên Ban quản trị Chung cư Vinhomes Skylake chia sẻ về những băn khoăn của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thang máy
Đại diện tiếng nói của người tiêu dùng, ông Bùi Quốc Hưng – thành viên Ban quản trị Chung cư Vinhomes Skylake cũng chia sẻ nỗi khó của chủ sở hữu trong việc đánh giá các đề xuất của đơn vị cung cấp dịch vụ thang máy, không thể biết việc thay thế, sửa chữa đó đã là phù hợp hay chưa, chi phí dịch vụ và cả việc lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín. Do đó, việc có khuyến cáo của VNEA cùng hệ thống truy xuất số về thiết bị, con người sẽ trở thành căn cứ hữu ích cho các chủ sở hữu thang máy.
Hiện tại, dự án Mã định danh thang máy đã được VNEA triển khai thí điểm tại một số doanh nghiệp, cấp và gắn mã định danh cho hơn một nghìn thang máy. Dự án sẽ tiếp tục triển khai mở rộng trên phạm vi toàn quốc.
Cùng đó là các hoạt động khác nhằm ứng dụng TCCS vào thực tiễn ngành thang máy Việt Nam.