Nghề thang máy và yêu cầu về đào tạo kỹ thuật thang máy

Nghề thang máy đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhân lực để sản xuất, lắp đặt, vận hành, duy trì các hệ thống thang máy, thang cuốn và hiệu quả cho các tòa nhà, khách sạn, trung tâm thương mại hay các công trình dân dụng khác. 

Theo Hiệp hội Thang máy Việt Nam, ước tính mỗi năm Việt Nam lắp đặt mới khoảng 10.000 thang máy và thị trường lao động cần khoảng 1.500 kỹ thuật viên lắp đặt và 12.000 kỹ thuật viên bảo trì thang máy. Điều đó cho thấy nghề thang máy có nhu cầu lớn về nguồn lao động, vậy hãy cùng tìm hiểu các công việc và kỹ năng, chương trình đào tạo cho những người muốn làm công việc kỹ thuật thang máy này.

1. Khái quát về Nghề thang máy

Nghề thang máy có thể hiểu là các công việc liên quan đến thang máy, thang cuốn như thiết kế, lắp đặt, bảo trì - bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành các hệ thống thang máy và thang cuốn (sau đây gọi chung là thang máy).

Những người làm các công việc về kỹ thuật thang máy là kỹ sư thang máy hoặc kỹ thuật viên thang máy (hay thợ thang máy).

Nghề thang máy có thể kết hợp hoặc chuyên biệt các công việc trong lĩnh vực về thang máy, thang cuốn như:

  • Thiết kế, sản xuất: thiết kế và sản xuất thiết bị thang máy, thang cuốn để đạt được mục đích sử dụng với các yêu cầu về tải trọng, tốc độ, an toàn, kết cấu, thẩm mỹ,...

  • Thi công, lắp đặt: triển khai lắp đặt hệ thống thang máy tại công trình sao cho đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đã thiết kế.

  • Giám sát, vận hành: đảm bảo thang máy hoạt động đúng chức năng, an toàn cho người sử dụng, thực hiện hỗ trợ tại chỗ nếu thang máy gặp sự cố.

  • Bảo trì, bảo dưỡng: thực hiện chăm sóc, bảo dưỡng thang máy theo định kỳ.

  • Sửa chữa, cứu hộ: cứu hộ khi thang máy bị lỗi; sửa chữa, khôi phục trạng thái hoạt động bình thường cho thang máy đã đưa vào sử dụng hoặc nâng cấp các tính năng, thiết kế để đáp ứng yêu cầu về an toàn hiện hành, gia tăng tính thẩm mỹ,...

Tùy theo tính chất của từng công việc, kỹ thuật viên cần có kiến thức về các lĩnh vực như: điện - điện tử, tự động hóa, cơ khí, kiến trúc - xây dựng, thiết kế,... hoặc phải có kiến thức tổng hợp một số lĩnh vực bên cạnh hiểu biết về các quy định an toàn và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. 

 

2. Những đặc điểm, yêu cầu chung của nghề thang máy

Đặc điểm nghề thang máy 

  • Nghề thang máy có phạm vi công việc rộng: bao gồm thiết kế, sản xuất thang máy, lắp đặt thang máy, bảo trì thang máy, sửa chữa thang máy, cứu hộ thang máy… cần nhiều nhân sự để làm việc.

  • Là ngành nghề liên quan đến các thiết bị công nghệ cao, phức tạp: kỹ thuật thang máy là sự kết hợp nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ khí, điện - điện tử và kỹ thuật xây dựng, hệ thống điều khiển hỗn hợp. Vì thế đòi hỏi các kỹ thuật viên thang máy cần có kiến thức đa ngành để làm việc hiệu quả.

  • Đòi hỏi tính an toàn cao: thang máy dùng để vận chuyển người và hàng hóa theo chiều thẳng đứng, môi trường làm việc đặc thù nên yêu cầu về an toàn lao động luôn là ưu tiên hàng đầu đối với cả thiết bị, người sử dụng và người lao động.

Một số yêu cầu của nghề thang máy

Thang máy được lắp đặt dọc theo chiều cao tòa nhà nên công việc kỹ thuật thang máy thường diễn ra trong không gian hẹp, độ cao lớn. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, nghề thang máy có các yêu cầu khắt khe cả về sản phẩm, dịch vụ, con người.

  • Yêu cầu về đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ:

Thiết bị linh kiện được sản xuất, lắp đặt phải đạt quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo cả về tính an toàn và khả năng tương thích để thang máy hoạt động chính xác, trơn tru. Cùng với đó, dịch vụ kỹ thuật thang máy cũng cần thực hiện đầy đủ, đúng quy trình và yêu cầu để tránh xảy ra lỗi, hỏng làm kẹt thang, rơi thang,... gây nguy hiểm cho người sử dụng.

  • Yêu cầu đối với kỹ thuật viên, thợ thang máy:

Không chỉ yêu cầu có kỹ năng thực hành tốt mà kỹ thuật viên, thợ thang máy còn phải có kiến thức lý thuyết vững chắc, thông thạo các công cụ và thiết bị cơ - điện cũng như đọc và hiểu các bản vẽ kỹ thuật, kiến thức tổng hợp giữa các lĩnh vực.

Ngoài ra, tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề cũng vô cùng quan trọng, ví dụ như xử lý không gian lắp đặt bị giới hạn, lựa chọn công nghệ truyền động thang máy tối ưu hay “bắt bệnh” khi thang máy gặp lỗi,… cũng là tố chất cần có của kỹ thuật viên thang máy.

  • Yêu cầu về tiêu chuẩn hóa nhân lực thông qua đào tạo, huấn luyện nhân sự: 

Là ngành nghề liên quan đến công nghệ hiện đại và đòi hỏi tính an toàn cao cho người sử dụng và thợ kỹ thuật lắp đặt, bảo dưỡng thang máy, do đó, việc tiêu chuẩn hóa năng lực. 

Tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thang máy Việt Nam", TS Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã nêu ra yêu cầu về phát triển kỹ năng nghề thang máy bao gồm các nội dung: Khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia; Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; Tuyển dụng và sử dụng nhân sự dựa vào kỹ năng nghề. 

3. Đào tạo kỹ thuật thang máy và chứng chỉ dành cho kỹ thuật viên thang máy

Nhu cầu đào tạo kỹ thuật viên thang máy không chỉ đến từ người lao động nhằm trang bị hành trang làm nghề đầy đủ mà các doanh nghiệp cũng có nhu cầu tuyển dụng nhân sự đã có sẵn chứng chỉ nghề, từ đó tiết kiệm chi phí và thời gian đào.

Các hình thức đào tạo kỹ thuật thang máy

  • Đào tạo chính quy tại các trường Trung cấp, Cao đẳng khối kỹ thuật: là hình thức đào tạo dài hạn, tập trung từ 2-4 năm. Học viên được dạy từ lý thuyết cơ bản đến thực hành, khi tốt nghiệp được cấp văn bằng chứng nhận; tùy theo ngành học có thể đảm nhiệm các vị trí công việc khác nhau. Hạn chế của hình thức đào tạo này là chương trình đào tạo mang tính cơ bản về cơ khí hoặc điện - điện tử, chưa đào tạo chuyên sâu vào thiết bị thang máy nên khi ra trường, người lao động vẫn cần có thời gian đào tạo thích nghi thiết bị.

  • Đào tạo theo hình thức ngắn hạn: là các khóa đào tạo kỹ thuật thang máy ngắn hạn do các cơ sở dạy nghề được cấp phép thực hiện, có thời gian từ 3 tháng đến dưới 1 năm. Có thể kể đến các khóa đào tạo tại các công ty thang máy, tại các trung tâm dạy nghề, hoặc do cơ quan chức năng trong lĩnh vực thang máy tổ chức. Khi tốt nghiệp, học viên sẽ được cấp chứng chỉ kỹ thuật viên thang máy phù hợp với lĩnh vực mà họ được đào tạo (lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa, thiết kế,…).

- Khóa học ngắn hạn thường mạnh về thực hành, bởi các đơn vị đào tạo trang bị nhiều thiết bị dạy học sát với thực tiễn và học viên có thể được tham gia đào tạo thông qua công việc thực tế. 

- Để bổ sung lý thuyết cho học viên, các sơ sở đào tạo ngắn hạn thường kết hợp với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp kỹ thuật để đào tạo cho học viên những kiến thức nền tảng liên quan về cơ khí, điện - điện tử, tự động hóa… phục vụ cho kỹ thuật thang máy. 

Đào tạo nghề thang máy trang bị cho học viên những gì?

Học viên tham gia các chương trình đào tạo kỹ thuật thang máy được trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành để có thể nắm vững các nội dung như:

  • Phân biệt và hiểu rõ về nguyên lý hoạt động của các loại thang máy, thang cuốn hiện hành.

  • Hiểu rõ các nguyên lý về kết cấu xây dựng, kiến trúc phục vụ cho việc thi công lắp đặt, sửa chữa.

  • Hiểu rõ tính chất, công năng của linh kiện, thiết bị của hệ thống thang máy, thang cuốn; cách thao tác lắp ráp, vận hành, thay thế,…

  • Thực hành các nghiệp vụ chuyên môn về lắp đặt, sửa chữa, bảo trì, vận hành thang máy để có thể thực thi công việc thực tế một cách nhuần nhuyễn.

  • Hiểu rõ công năng và sử dụng thành thạo các công cụ, thiết bị hỗ trợ kỹ thuật khi làm việc với thang máy.

Khi tốt nghiệp hoặc kết thúc khóa đào tạo, dạy nghề thang máy ngắn hạn, học viên có thể đáp ứng tốt các yêu cầu của công việc về kỹ thuật thang máy, thang cuốn. 

Các khóa đào tạo kỹ thuật thang máy ngắn hạn để cấp chứng chỉ

Để trang bị kỹ năng cho kỹ thuật viên thang máy làm các công việc chuyên môn, các cơ sở đào tạo có thể tổ chức các khóa đào tạo thang máy ở mức độ sơ cấp, trung cấp như:

  • Đào tạo kỹ thuật viên lắp đặt

Khóa đào tạo này sẽ trang bị cho học viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để triển khai lắp đặt hoàn chỉnh các hệ thống thang máy. Học viên hiểu rõ cấu trúc, linh kiện, thiết bị của hệ thống thang máy, liên hệ với kết cấu công trình xây dựng; cách thức triển khai cách lắp đặt các thành phần của thang máy một cách hoàn chỉnh bao gồm giếng thang, buồng máy, cabin, hố pit, có thể bao gồm cả việc cài đặt các hệ thống điều khiển đầy đủ để thang máy hoạt động. 

  • Đào tạo kỹ thuật viên vận hành

Hiện nay, các thang máy, thang cuốn hiện đại đều vận hành tự động, điều khiển đơn giản nên hầu hết mọi người đều tự sử dụng được. Khái niệm kỹ thuật viên vận hành hiện nay không phải là người túc trực để điều khiển thang máy nữa. Đối tượng của khóa đào tạo kỹ thuật viên vận hành này sẽ hướng đến khâu cài đặt, lập trình điều khiển để thang máy hoạt động đúng yêu cầu, hoặc thực hiện kiểm thử, đánh giá chất lượng vận hành thang máy. Sau khi đội lắp đặt hoàn thành công việc lắp đặt hoàn chỉnh về mặt kết cấu cơ khí, hệ thống điện, điều khiển của thang máy thì sẽ cần có đội vận hành tiến hành cài đặt chức năng, chạy thử và hiệu chỉnh thông số thang máy để nó vận hành đúng yêu cầu kỹ thuật và thiết kế ban đầu.  

  • Đào tạo kỹ thuật viên bảo trì 

Bảo trì, bảo dưỡng là điều bắt buộc đối với mọi hệ thống thang máy, thang cuốn. Vì vậy, kỹ thuật viên bảo trì có vai trò quan trọng và rất cần thiết trong các công ty dịch vụ thang máy. Đào tạo kỹ thuật viên bảo trì sẽ trang bị kiến thức về cấu trúc thang máy, đặc điểm về linh kiện, thiết bị thang máy, vòng đời của linh kiện và các tiêu chuẩn, quy trình về chăm sóc, bảo dưỡng của từng loại. Khi được đào tạo về chuyên môn bảo trì thang máy, kỹ thuật viên có thể tự tin thực hiện bảo trì cho các loại thang máy một cách độc lập.

  • Đào tạo kỹ thuật viên sửa chữa, cứu hộ thang máy

Khóa đào tạo kỹ thuật viên sửa chữa thang máy cung cấp cho học viên các kiến thức về linh kiện, thiết bị và đặc tính kỹ thuật của các công nghệ thang máy, thang cuốn khác nhau. Những lỗi và sự cố có thể gặp phải của từng loại thang máy và cách xử lý, khắc phục sao cho hiệu quả nhất. Ngoài ra, học viên còn được huấn luyện xử lý các tình huống khẩn cấp như thang máy bị kẹt, nhốt người...

Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, học viên sẽ được kiểm tra, sát hạch về kiến thức và kỹ năng làm việc thực tế, nếu vượt qua sẽ được cấp chứng chỉ đào tạo tương ứng với chuyên môn đào tạo.

Chứng chỉ đào tạo kỹ thuật thang máy là sự chứng nhận cho năng lực của kỹ thuật viên, do đó, các công ty thang máy sẽ yên tâm tuyển dụng và sử dụng.

Ngoài ra, dạy nghề thang máy ngắn hạn có thể có các khóa đào tạo chuyên sâu khác về kiểm định chất lượng, tư vấn giám sát dành cho những người đã có kinh nghiệm làm việc kỹ thuật thang máy trong một thời gian nhằm nâng cao năng lực.

 

Xem thêm Chứng chỉ đào tạo kỹ thuật thang máy: lắp đặt, bảo trì, vận hành, sửa chữa

4. Muốn học nghề thang máy thì cần chuẩn bị những gì?

Để tham gia các khóa đào tạo này, bạn cũng cần có một sự chuẩn bị nhất định, chẳng hạn như:

  • Kiến thức nền tảng về cơ khí, điện-điện tử, tự động hóa: Nếu bạn học ở các trường cao đẳng, đại học khối kỹ thuật thì bạn sẽ được dạy những kiến thức nền tảng này. Hoặc bạn cũng có thể tự tích lũy qua thời gian làm việc thực tế ở một công ty thang máy nhưng chưa có sự hệ thống kiến thức. Thực tế các chương trình đào tạo vẫn sẽ cung cấp các nội dung lý thuyết này, tùy theo trình độ của học viên.

  • Mục tiêu nghề nghiệp: bạn có mong muốn trở thành một kỹ thuật viên, làm việc trong lĩnh vực thang máy để kiến tạo thu nhập cao cho mình.

  • Sở thích, đam mê đối với công nghệ thang máy và nghề thang máy: để dành nhiều thời gian cho việc học tập, nâng cao kiến thức, trau dồi kỹ năng.

  • Ngân sách cho việc học nghề thang máy: Do thang máy là thiết bị công nghệ cao nên đầu tư cơ sở vật chất, nhân sự cho việc đào tạo nghề cũng rất đắt đỏ. Do đó, các khóa đào tạo về kỹ thuật thang máy cũng đòi hỏi một mức học phí cao. Học phí đào tạo kỹ thuật thang máy có thể từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu tùy vào mức độ đào tạo và yêu cầu về giảng viên, thiết bị thực hành, tài liệu kỹ thuật,…

5. Tham khảo một số cơ sở đào tạo kỹ thuật thang máy hiện nay

a. Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy (VILEA) - thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam

Đây là nơi cung cấp các khóa đào tạo, cấp chứng chỉ về kỹ thuật thang máy theo mô hình kết hợp Hiệp hội - Nhà trường - Doanh nghiệp để cung cấp kiến thức và kỹ năng chuyên môn thực tiễn cho học viên để có thể làm việc ngay sau khi có chứng chỉ. (Địa điểm đào tạo tại Hà Nội)

b. Trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao Hà Nội (HHT)

Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) là một trong các cơ sở đào tạo có chương trình đào tạo kết hợp với Hiệp hội Thang máy Việt Nam và các doanh nghiệp cho các chương trình đào tạo ngắn hạn. Ngoài ra, năm học 2024 - 2025 cũng là năm đầu tiên nhà trường tuyển sinh chuyên ngành đào tạo Kỹ thuật thang máy. (Địa điểm đào tạo tại Hà Nội)

c. Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (Tp Hồ Chí Minh)

Chưa có chuyên ngành đào tạo thang máy như HHT nhưng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng kết hợp với một số doanh nghiệp thang máy tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, cấp chứng chỉ về kỹ thuật thang máy (lắp đặt, bảo trì) cho sinh viên Khoa cơ khí, Khoa cơ điện tử của trường. (Địa điểm đào tạo tại Tp Hồ Chí Minh)

d. Trường Cao đẳng Công nghệ - Đại học Đà Nẵng

Trường Cao đẳng Công nghệ hợp tác với một số doanh nghiệp thang máy Nhật Bản để cung cấp các khóa đào tạo kỹ thuật thang máy cả ngắn hạn và tu nghiệp tại Nhật Bản cho sinh viên của trường. (Địa điểm đào tạo tại Đà Nẵng)

 

Trên đây là thông tin tổng quan giúp mọi người hiểu rõ hơn về nghề thang máy và các vấn đề về học nghề, đào tạo, dạy nghề về thang máy hiện nay. Qua đó, giúp các bạn trẻ có thêm thông tin nhằm định hướng nghề nghiệp cho mình và con đường học tập để có thể làm việc trong ngành thang máy. 


Về Hiệp hội thang máy Việt Nam - VNEA:

Hiệp hội Thang máy Việt Nam là kênh kết nối các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn. Với mục đích phục vụ cộng đồng, VNEA cung cấp những thông tin cập nhật của ngành thang máy Việt Nam và Quốc tế thông qua website vnea.com.vn giúp cho mọi người nhanh chóng tìm thấy những thông tin hữu ích về ngành thang máy mà mình đang quan tâm, trong đó có lĩnh vực nghề thang máy và đào tạo nghề thang máy ở trên.

Để góp phần phát triển nhân lực chất lượng cao cho ngành thang máy Việt Nam, Viện Kỹ thuật ứng dụng thang máy (VILEA) thuộc Hiệp hội thang máy Việt Nam đã từng bước xây dựng và tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo kỹ năng nghề thang máy với đầy đủ chuyên môn về lắp đặt, bảo trì, sửa chữa, cứu hộ thang máy. Sau khi hoàn thành các khóa học, kỹ thuật viên có kỹ năng tốt, tự tin thực hiện các công việc tại hiện trường. 


Chủ đề của bài viết này liên quan đến: nghề thang máy | dạy nghề thang máy | học nghề thang máy


Các tin khác

Lao động thang máy: Chứng chỉ quốc tế, cơ hội toàn cầu

Lao động thang máy: Chứng chỉ quốc tế, cơ hội toàn cầu

Vấn đề thiếu hụt kỹ thuật viên thang máy đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới do nhu cầu lắp mới và hiện đại hóa thang cũ tăng cao. Việc sở hữu chứng chỉ đào tạo thang máy quốc tế sẽ trở thành “tấm vé thông hành”, giúp người lao động gia nhập thị trường lao động đầy tiềm năng này.
Năng suất lao động Việt Nam thấp do đâu?

Năng suất lao động Việt Nam thấp do đâu?

Năng suất lao động của Việt Nam thấp, có khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực. Nhiều năm qua, dù tăng trưởng nhưng tốc độ tăng vẫn chậm và cách xa so với mục tiêu đặt ra.
"Lối đi cho Tạp chí Thang máy"

"Lối đi cho Tạp chí Thang máy"

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau.” Ai cũng có thể nói, ai cũng có thể hiểu nhưng để làm được, quả thật rất khó.
Văn hóa là động lực hay lực cản của sự phát triển?

Văn hóa là động lực hay lực cản của sự phát triển?

Một trong những câu hỏi lớn của loài người là đi tìm sự kiến giải về văn hóa để phù hợp với những quy mô của tổ chức. “Ranh giới chia pha” có thể là nút thắt của vấn đề, nơi mà hướng dịch chuyển sẽ tạo ra động lực hay lực cản.
Công nghệ bảo vệ 4 lớp trong thang máy

Công nghệ bảo vệ 4 lớp trong thang máy

Với 4 lớp bảo vệ hiện đại, thang máy không chỉ bảo đảm về an toàn tính mạng người dùng mà còn giúp tránh được những nguy hiểm từ vi khuẩn, virus, đồng thời phát hiện và cảnh báo tình trạng người bị ngất, đột quỵ trong cabin.
Thiết kế nội thất - cần thay đổi cả cách nhìn và tư duy

Thiết kế nội thất - cần thay đổi cả cách nhìn và tư duy

Thiết kế nội thất bằng công nghệ 3D, nhà thiết kế ở đâu trong toàn ngành kiến trúc,... và rất nhiều chủ đề thiết thực khác liên quan đến ngành thiết kế nội thất được các khách mời mang đến chia sẻ tại Talk show "Thiết kế nội thất thời đại 4.0".

Giới thiệu doanh nghiệp

Sự kiện nổi bật