Xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở ngành: Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy

Tiêu chuẩn ngành cần lấy tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) làm gốc, bổ khuyết cho TCVN, phù hợp với đặc thù văn hóa và xu hướng phát triển công nghệ trong nước.

Tròn 30 năm ngành thang máy có tiêu chuẩn quốc gia

Tiêu chuẩn Việt Nam (theo Pháp lệnh chất lượng hàng hóa năm 1999, khi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ra đời năm 2006 thì tiêu chuẩn Việt nam được chuyển thành tiêu chuẩn quốc gia) đầu tiên về thang máy ký hiệu TCVN 5744:1993, xuất bản lần đầu vào năm 1993 với tên gọi Thang máy – Yêu cầu an toàn trong lắp đặt và sử dụng (Lift – Safe requirements for installation and use). Điều này thể hiện tầm nhìn của các nhà quản lý thang máy đương thời, trong bối cảnh đất nước đang bị cấm vận thương mại và việc lắp đặt một chiếc thang máy còn là điều xa xỉ. Đây có thể coi là tài liệu kỹ thuật đầu tiên về thang máy tại Việt Nam, tuy khá đơn giản và ngắn gọn nhưng nó cũng đã đáp ứng được yêu cầu cơ bản về an toàn đối với các bên liên quan trong hệ thống: Thang máy – Đơn vị lắp đặt – Người quản lý vận hành – Người sử dụng thang máy.

Các TCVN sau đó được bổ sung, sửa đổi theo nhu cầu và kinh nghiệm thực tiễn cũng như định hướng phát triển ngành.

Tiêu chuẩn tiếp theo, ký hiệu TCVN 5866:1995, Thang máy – Cơ cấu an toàn cơ khí (Lift – Safety mechanisms) đưa ra các yêu cầu an toàn cho một số thiết bị cơ khí của thang máy như bộ khống chế vượt tốc, cơ cấu hãm bảo hiểm, giảm chấn và cữ chặn của cabin (đối trọng) và khóa tự động của cửa tầng. Tiêu chuẩn này cũng là TCVN về thang máy lâu đời nhất đến nay vẫn còn hiệu lực.

Thực tế tiêu chuẩn quốc gia cho ngành thang máy

Cùng với ngành công nghiệp xây dựng, ngành thang máy Việt Nam ra đời muộn hơn so với các nước phát triển trên thế giới. Hơn ¼ thế kỷ xây dựng và phát triển, chúng ta được thừa hưởng sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trên thế giới cũng như tiêu chuẩn của các tổ chức, quốc gia phát triển mà chúng ta đã và đang tham khảo để xây dựng TCVN, như Tiêu chuẩn Quốc gia của Liên Xô (sau này là Tiêu chuẩn Liên bang Nga) GOST (Gosudarstvenny Standart), Tiêu chuẩn quốc tế ISO (International Organization for Standarlization), Tiêu chuẩn châu Âu EN (European Norms),…

Kế thừa sẽ giúp chúng ta “đứng trên vai người khổng lồ”, nhưng làm thế nào để tránh “tiêu thụ” công nghệ lỗi thời, áp dụng tiêu chuẩn không phù hợp?

Đến nay, Việt Nam có gần 30 TCVN về thang máy, thang cuốn và thiết bị nâng.

Hai tiêu chuẩn mới nhất là TCVN 6396-20:2017, Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy – Thang máy chở người và hàng – phần 20: Thang máy chở người và thang máy chở người và hàng (Safety rules for the construction and installation of lifts Lifts for the transport of persons and goods Part 20: Passenger and goods passenger lifts) và TCVN 6396 – 50: 2017, Yêu cầu an toàn về cấu tạo và lắp đặt thang máy – Kiểm tra và thử nghiệm – phần 50: Yêu cầu về thiết kế, tính toán, kiểm tra và thử nghiệm các bộ phận của thang máy (Safety rules for the construction and installation of lifts - Examinations and tests - Part 50: Design rules, calculations, examinations and tests of lift components). Hai tiêu chuẩn này được xây dựng theo bản quyền của tiêu chuẩn châu Âu, EN 81-20:2014EN 81-50:2014. Đây cũng là tiêu chuẩn mới nhất của châu Âu về thang máy và là hai tiêu chuẩn phổ biến nhất, bao quát nhất của TCVN về thang máy cho đến thời điểm hiện tại.

Yêu cầu của các tiêu chuẩn này được cho là khá cao so với mặt bằng chung của môi trường công nghiệp thang máy Việt Nam nhưng một số nội dung của 2 tiêu chuẩn này cũng đã được viện dẫn, đưa vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động (QCVN) đối với thang máy – văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhất đối với ngành thang máy Việt Nam, QCVN 02:2019/BLĐTBXH do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành vào năm 2019.

Có thể việc tổ chức hợp quy hay công bố hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn này trong thực tế sản xuất – kinh doanh vẫn còn một số vướng mắc chủ yếu do thiếu các công cụ thực thi, nhưng các nhà sản xuất, doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật, chủ sở hữu, người sử dụng thang máy và cả cơ quan quản lý nhà nước cũng đã có một căn cứ được ví như ngọn hải đăng cho “con tàu” thang máy.

Sự cần thiết xây dựng tiêu chuẩn ngành – bước tiến xây dựng tương lai ngành thang máy

Trong buổi gặp mặt các doanh nghiệp hạt nhân trong nước vừa được Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) tổ chức vào đầu tháng 5 năm 2023 vừa qua, các đại biểu đã nêu lên các vấn đề về hàng giả và gian lận thương mại đã gây khó khăn cho ngành sản xuất trong nước và xói mòn niềm tin của khách hàng với thang máy Việt. Hay việc thang máy sản xuất trong nước hiện nay đang tập trung vào phân khúc thang máy gia đình giá trị thấp, chưa có cơ hội để cung cấp các sản phẩm cho các dự án cao tầng hơn dù chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe về mặt an toàn kỹ thuật của các dự án này – các dự án đang chiếm phần lớn tỷ trọng trong ngành xây dựng Việt Nam hiện nay như các tòa nhà công sở, bệnh viện, trường học, các trung tâm thương mại, khách sạn hay các chung cư tầm trung.

Tất cả, bởi vàng thau lẫn lộn.

Đứng trước thực tế đó, các thành viên tham gia buổi gặp mặt đề xuất cần phải có một TCCS cho ngành thang máy – một tiêu chuẩn kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh của thang máy Việt Nam. Việc xây dựng tiêu chuẩn ngành sẽ là tiền đề để chúng ta thực hiện chiến lược phát triển ngành thang máy bền vững, góp phần bổ khuyết tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy, giúp định hình thương hiệu thang máy Việt.

Hội thảo “Nâng cáo chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy Việt Nam” do VNEA tổ chức vào tháng 7/2022

Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006, việc xây dựng tiêu chuẩn phải xuất phát từ nhu cầu và khả năng thực tiễn từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh quốc gia,… đảm bảo nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kinh tế – xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế. Như vậy, việc xây dựng tiêu chuẩn cần có sự tham gia từ cơ sở, từ các bên liên quan đến việc áp dụng tiêu chuẩn.

Luật cũng khuyến khích các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp và tổ chức xã hội – nghề nghiệp tham gia xây dựng TCCS, từ đó chuyển đổi (sửa đổi, bổ sung) thành TCVN.

Tiêu chuẩn ngành cần áp dụng và bổ khuyết cho TCVN

Với đặc thù phát triển ngành, TCVN hiện hành về thang máy đang tập trung chủ yếu vào các yêu cầu an toàn về thiết kế và lắp đặt – giai đoạn trước khi thang máy được đưa vào sử dụng. Đây là giai đoạn rất quan trọng, các yêu cầu của tiêu chuẩn đã đảm bảo cung cấp đến người sử dụng những thang máy an toàn, phù hợp với các giai đoạn phát triển của ngành.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Tiến, Tổng thư ký VNEA: “Chúng ta chưa có, hoặc có chưa đầy đủ các yêu cầu về an toàn trong sử dụng, bảo trì, sửa chữa thang máy.

Ông Nguyễn Huy Tiến cho rằng dựa trên các nhu cầu đó thì cần xây dựng tiêu chuẩn ngành để người sử dụng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước,… có căn cứ cho các hoạt động liên quan đến ngành thang máy.

Ông Nguyễn Huy Tiến – Tổng thư ký VNEA

Tiêu chuẩn ngành cần lấy TCVN làm gốc, bổ khuyết cho TCVN, phù hợp với đặc thù văn hóa và khả năng phát triển công nghệ trong nước. Trước mắt, TCCS về thang máy không chỉ tập trung vào các yêu cầu an toàn trong giai đoạn sản xuất và lắp đặt mà cả trong quá trình sử dụng, tổ chức vận hành, bảo trì sửa chữa. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường thang máy Việt Nam đang ở giai đoạn giao thoa vừa đảm bảo kiểm soát việc sản xuất, lắp đặt thang máy mới phục vụ cho phát triển thị trường, hướng tới mục tiêu 1 triệu thang máy vào năm 2043 khi nước ta trở thành đất nước phát triển, vừa tổ chức vận hành an toàn một số lượng thang máy lớn đã được lắp đặt và đang sử dụng với tổng khoảng 400.000 chiếc cùng tốc độ tăng trưởng kép CAGR (Compound Annual Growth Rate) hàng năm trên 8%.

Do vậy, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã chủ trì quy hoạch, lập kế hoạch và tiến hành rà soát, dự thảo, xây dựng tiêu chuẩn ngành để tập trung giải quyết các vấn đề của chính doanh nghiệp, giúp hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh theo xu thế và yêu cầu của xã hội.

Tiêu chuẩn cơ sở TCVL 2301-01.2023/VILEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” do Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy – Hiệp hội Thang máy Việt Nam xây dựng

XYDNGT4-1

Lấy thang máy làm cốt lõi, người sử dụng thang máy làm trung tâm, tiêu chuẩn ngành đồng thời cũng phải giải quyết được các vấn đề của các bên liên quan khác trong việc đảm bảo an toàn thang máy: Chủ sở hữu, người sử dụng thang máy, các cơ quan quản lý nhà nước, các cá nhân công tác trong ngành và cả xã hội.

Theo đó, bộ tiêu chuẩn cơ sở này đã được dự thảo và đang lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức liên quan như doanh nghiệp, người tiêu dùng, chuyên gia của các cơ quan liên quan, cơ quan quản lý nhà nước,… nhằm áp dụng giải quyết các nhu cầu thực tiễn, cấp bách để người sử dụng, doanh nghiệp của ngành và các cơ quan quản lý có căn cứ trong các hoạt động quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy.


Các tin khác

Chương trình đào tạo nhân viên bảo trì thang máy chứng chỉ quốc tế

Chương trình đào tạo nhân viên bảo trì thang máy chứng chỉ quốc tế

Chương trình đào tạo ngắn hạn (dưới 300 giờ) kỹ thuật viên thang máy của Hiệp hội Thang máy Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Thang máy Hàn Quốc sẽ bắt đầu triển khai khóa đầu tiên tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội vào tháng 8/2024. Đây là mở đầu cơ hội cho các bạn trẻ muốn chuẩn hóa đam mê với nghề thang máy.
Cấu trúc chương trình đào tạo kỹ thuật viên thang máy

Cấu trúc chương trình đào tạo kỹ thuật viên thang máy

Không chỉ đào tạo chuyên môn, chương trình đào tạo kỹ thuật viên thang máy do Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy còn hướng đến các giá trị về con người, đạo đức nghề nghiệp, tư duy quản lý.
Lao động thang máy: Chứng chỉ quốc tế, cơ hội toàn cầu

Lao động thang máy: Chứng chỉ quốc tế, cơ hội toàn cầu

Vấn đề thiếu hụt kỹ thuật viên thang máy đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới do nhu cầu lắp mới và hiện đại hóa thang cũ tăng cao. Việc sở hữu chứng chỉ đào tạo thang máy quốc tế sẽ trở thành “tấm vé thông hành”, giúp người lao động gia nhập thị trường lao động đầy tiềm năng này.
Các chuyên gia nói gì về tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy?

Các chuyên gia nói gì về tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy?

Tại Họp báo công bố Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy, đại diện các bên liên quan từ cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị giáo dục đào tạo, các doanh nghiệp và chủ sở hữu thang máy đều nhận định về lợi ích của Tiêu chuẩn cơ sở này.
Năng suất lao động Việt Nam thấp do đâu?

Năng suất lao động Việt Nam thấp do đâu?

Năng suất lao động của Việt Nam thấp, có khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực. Nhiều năm qua, dù tăng trưởng nhưng tốc độ tăng vẫn chậm và cách xa so với mục tiêu đặt ra.
Hành trình gắn kết ngành thang máy Việt

Hành trình gắn kết ngành thang máy Việt

3 năm không phải là chặng đường dài nhưng là một hành trình đáng trân trọng và tự hào, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng như các hội viên, thành viên của Hiệp hội đã chứng minh một điều: Mọi khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua nếu chúng ta có ý chí đủ lớn và khát vọng đủ nhiều.

Giới thiệu doanh nghiệp

Sự kiện nổi bật