Sáng 6/10, tại Singapore, đã diễn ra Hội thảo thông tin về thang máy, thang cuốn lần thứ 105 do Hiệp hội Thang máy, Thang cuốn châu Á Thái Bình Dương (PALEA) tổ chức. Sự kiện có sự tham gia của 100 thành viên bao gồm nhà sản xuất, công ty, hiệp hội trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn và phụ trợ. Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Hải Đức tham dự sự kiện quan trọng này.
Hội thảo mở đầu là bài phát biểu về việc phát triển Tiêu chuẩn ISO 8100 của Eric Darmenia, Cố vấn cấp cao Tập đoàn Jardine Schindler ở Australia. Đó là những phân tích về hoạt động mà ISO và Ủy ban Tiêu chuẩn Châu Âu (CEN) đã thực hiện, với sự hợp tác của các cơ quan quản lý quốc gia để phát triển một bộ luật thang máy quốc tế mới hài hòa giữa yêu cầu an toàn thang máy trên toàn thế giới và hỗ trợ Thương mại Không rào cản kỹ thuật toàn cầu (Global Trade Barrier Free Technology – GTBFT)
Cố vấn cấp cao Tập đoàn Jardine Schindler ở Australia phát biểu tại hội thảo
Đại diện của Hiệp hội Thang máy Trung Quốc (China Elevator Association – CEA), ông Zhang LeXiang đã chia sẻ về các hoạt động của CEA và cơ sở để phát triển quy chuẩn cũng như các chương trình được Cục Quản lý An toàn Thiết bị đặc biệt (Special Equipment Safety Administration Bureau – SESA) tổ chức để nâng cấp thử nghiệm, vận hành và kiểm tra. Trung Quốc là nhà sản xuất và thị trường tiêu thụ thang máy, thang cuốn lớn nhất thế giới, do đó có rất nhiều hoạt động quản lý, quy định và cần nâng cao quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện tại.
Phòng thí nghiệm, thử nghiệm Hàn Quốc (Korean Testing Laboratory – KTL) được thành lập để nâng cao công nghệ công nghiệp và khả năng cạnh tranh của Hàn Quốc. Tổ chức này trực thuộc Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng. KTL và Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (KoELSA) hợp tác nhằm đảm bảo an toàn, áp dụng công nghệ mới nhất và các quy định, tiêu chuẩn được tuân thủ. Trong bài phát biểu của đại diện của phòng thí nghiệm, ông Jeho Heo đã chia sẻ về chức năng của các thiết bị an toàn.
Sở Dịch vụ Cơ điện và Cơ khí Hồng Kông (EMSD) và Hiệp hội Nhà thầu Thang máy Thang cuốn Hồng Kông (LECA) đã hợp tác chặt chẽ không chỉ để nâng cao và thúc đẩy các quy định và quy tắc an toàn mà còn xem xét các sáng kiến mới để cải thiện bảo trì và giảm “thời gian chết”. Một chương trình nhật ký kỹ thuật số đã được phát triển để tận dụng các công nghệ kỹ thuật số mới, mang lại lợi ích cho người sử dụng, thương mại và công nghiệp. Bài thuyết trình của đại diện Sở, ông Graham Lui đã phân tích quá trình phát triển và thử nghiệm của chương trình này.
Cục Xây dựng và Công trình Singapore (Building and Construction Authority – BCA) là Cơ quan trực thuộc Bộ Phát triển Quốc gia Singapore. Singapore là một quốc gia có mức độ đô thị hóa cao với sự phụ thuộc lớn vào thang máy, đòi hỏi rất nhiều nhân lực để hỗ trợ. Với các công nghệ Giám sát và Chẩn đoán từ xa RM & D cho phép các quy trình hiện có được thiết kế lại và sắp xếp hợp lý, do đó nâng cao hiệu quả trong việc bảo trì và chẩn đoán các vấn đề, lần lượt giảm bớt sự phụ thuộc vào nhân lực.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy (VILEA) tại hội thảo do PALEA tổ chức
Trong hội thảo, Viện trưởng Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy – VILEA (trực thuộc Hiệp hội Thang máy Việt Nam – VNEA), Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh đã giới thiệu về VNEA, cũng như mục tiêu, định hướng và các kế hoạch hành động đã, đang triển khai: Quy tụ kết nối hội viên; tham mưu, xây dựng quy định – chính sách bảo hộ sản xuất, chuyển giao công nghệ; tham mưu , xây dựng quy chuẩn – tiêu chuẩn;tổ chức các triển lãm quốc tế và đào tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm cung ứn trong nước và quốc tế Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh cũng mong muốn VILEA nói riêng, VNEA nói chung sẽ nhận được sự hợp tác, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các thành viên PALEA và đối tác quốc tế. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp thang máy Việt Nam, phát triển thị trường, mở ra nhiều cơ hội đầy triển vọng trong thời gian tới./.