Dù hình thái của một doanh nghiệp là gì đi chăng nữa thì gia tăng lợi nhuận và phát triển bền vững vẫn là mục tiêu sống còn. Đặc biệt, kể từ sau đại dịch COVID-19 thì yếu tố bền vững khi áp dụng ESG lại càng quan trọng hơn. Vậy cụ thể về vấn đề này ra sao và ngành thang máy đã áp dụng như thế nào?
“Thiên nga đen” là lời cảnh tỉnh!
Việc con người tàn phá thiên nhiên, tận diệt động vật hoang dã là một trong những nguyên nhân dẫn đến đại dịch COVID-19. Giáo sư Tim Benton, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Môi trường và Tài nguyên tại Chatham House, Vương quốc Anh, chia sẻ: “Các mầm bệnh có thể sống trong rất nhiều sinh vật chủ khác nhau và vì vậy chúng liên tục tìm kiếm cơ hội để nhảy từ loài này sang loài khác. Vậy khi diện tích tự nhiên giảm, động vật hoang dã bị tiệt chủng, thì mầm bệnh bắt buộc phải lây sang cho con người”.
COVID – 19 đã đặt ra vô vàn thách thức cho doanh nghiệp – Nguồn: Shutterstock
Việc giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian cách ly xã hội cũng không đáng kể so với mức tiêu thụ năng lượng tăng nhanh khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại và phục hồi. Tương tự như cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, khi lượng phát thải ban đầu giảm từ 32 gigatonnes (2008) xuống 31,5 (2009) trước khi tăng trở lại lên 33,2 vào năm 2010.
Đại dịch COVID-19 còn làm gia tăng bất bình đẳng trong xã hội và giữa các quốc gia. Theo Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, 61,5% người lao động thuộc nhóm thu nhập cao có khả năng làm việc tại nhà, nhưng chỉ 9,2% những người thuộc nhóm có thu nhập thấp có khả năng làm như vậy. Do đó, tình trạng mất việc làm liên quan đến COVID-19 phổ biến hơn nhiều đối với những người có thu nhập thấp, bằng chứng là các cuộc khảo sát gần đây do Đại học Oxford thực hiện đã chỉ ra điều này.
Dịch COVID -19 bùng phát được coi là một bài kiểm tra quy mô lớn về khả năng phục hồi của các tập đoàn trên toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp đã không thể đưa ra được kịch bản ứng phó kịp thời và đi đến phá sản.
Điều này buộc doanh nghiệp phải chú trọng đến ESG để thực sự phát triển bền vững. Nhưng ESG là gì?
Trên 50% nhà đầu tư được khảo sát cho biết đại dịch COVID – 19 tạo động lực tích cực cho Hoạt động đầu tư bền vững (ESG) – Nguồn: J.P Morgan
ESG hiểu theo nghĩa nào?
ESG là cụm từ viết tắt bởi E-Environmental (Môi trường); S-Social (Xã hội) và G-Governance (Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng. Doanh nghiệp có điểm số ESG càng cao tức là năng lực thực hành ESG càng tốt.
Thực tế, thuật ngữ ESG ra đời từ lâu nhưng việc đầu tư vào các doanh nghiệp tuân thủ ESG vẫn luôn nhận được những ý kiến đa chiều suốt nhiều năm. Lợi ích kinh tế đặt lên bàn cân với lợi ích môi trường – xã hội – quản trị khiến việc đầu tư vào ESG – một tiêu chuẩn đầu tư giá trị không được đánh giá quá cao trong thời gian trước. Chỉ mãi đến khi dịch Covid-19 bùng phát vào cuối năm 2019, việc phát triển doanh nghiệp bền vững theo các tiêu chí ESG không còn là lựa chọn mà trở thành quyết định mang tính sống còn của doanh nghiệp.
Mặc dù ESG đã trở thành xu hướng và nhận được sự ủng hộ như một điều đúng đắn phải làm, nó cũng liên tục gặp phải sự nghi ngờ và chỉ trích.
ESG có thể bị coi như một công cụ để trình diễn, một chiêu trò PR hoặc thậm chí là một phương tiện để kiếm tiền từ khách hàng, nhà đầu tư hoặc nhân viên. ESG ở đây bị coi như công cụ để tạo thương hiệu, nhưng không được áp dụng thường xuyên.
Chẳng hạn, đơn vị xếp hạng ESG là MSCI (viết tắt của Morgan Stanley Capital International) đã phát hiện ra rằng gần 60% các hoạt động liên quan đến khí hậu chỉ là sự kiện một lần. Ít hơn một phần tư trong số các chương trình này được lên kế hoạch theo dõi hàng năm. Các nhà phê bình khác đã coi các nỗ lực ESG là “quảng cáo xanh” (greenwashing), “quảng cáo sứ mệnh” (purpose washing) hoặc “quảng cáo văn hóa” (woke washing) chỉ nhằm đánh bóng thương hiệu.
Nhiều doanh nghiệp chỉ sử dụng ESG phục vụ việc xây dựng thương hiệu
Vậy ESG thực sự là như thế nào?
Một ông chủ phòng gym trăn trở về làm cách nào để giảm được lượng khí thải carbon từ hệ thống các phòng tập của mình. Ông nhận thấy rằng những hội viên thường xuyên lái xe đi từ nhà đến phòng tập gym rồi đến công ty. Vậy là ông bắt đầu phát động một chương trình đi xe đạp và kêu gọi mọi người hưởng ứng.
Ban đầu chỉ có 4 thành viên trong công ty tham gia chương trình đạp xe để khuyến khích hội viên của họ đi đến phòng gym bằng xe đạp hằng ngày. Và kết quả là họ không chỉ giảm thiểu được lượng khí carbon mà còn tuyển được thêm nhiều hội viên mới cho phòng gym qua chương trình đi xe đạp này. Không những thế, mạng lưới liên kết xã hội từ chương trình đạp xe đã giúp mở rộng hoạt động kinh doanh của hệ thống phòng tập với tốc độ tăng trưởng không ngờ tới.
ESG có thể áp dụng từ những doanh nghiệp nhỏ, không chỉ là xu hướng của tập đoàn lớn – Nguồn: Shutterstock
Hay như một chuỗi cửa hàng sửa chữa ô tô bị khách hàng nữ phàn nàn về việc họ sử dụng toàn nhân sự là nam giới. Điều này khiến việc chia sẻ của họ gặp phải những khó khăn hoặc sự e ngại nhất định.
Khi tiếp nhận các phản hồi này, công ty đã chấp nhận rủi ro và mở một cửa hàng sửa xe với nhân sự từ lễ tân, thợ cơ khí đến thành viên quản trị đều là phụ nữ. Không những họ đáp ứng được tiêu chí bình đẳng giới tính trong công ty mà còn đạt được lợi nhuận cao từ mô hình đặc biệt này.
Một ví dụ khác đến từ một công ty được tư vấn nên cắt giảm lượng di chuyển bằng máy bay. Tất nhiên là họ không đồng ý cho đến khi dịch COVID-19 bắt buộc họ phải dừng toàn bộ các chuyến công tác. Chỉ sau 3 tháng ngăn cách xã hội, báo cáo kết quả cho thấy doanh nghiệp đã đã giảm mạnh về chi phí, tăng mức độ hài lòng của nhân viên và khách hàng và năng suất cũng tăng cao.
Các ví dụ trên cho thấy các doanh nghiệp hoàn toàn có thể vừa áp dụng ESG và vừa tạo lợi nhuận cho mình. ESG đã cho chúng ta một lăng kính mới về cách thức doanh nghiệp vận hành trong tương lai.
Thực tế triển khai ESG trong ngành thang máy
Nhiều doanh nghiệp thang máy đã đưa ESG vào chiến lược kinh doanh của mình. Dưới đây là một số hoạt động cụ thể của một số doanh nghiệp tiêu biểu.
Tài sản ESG toàn cầu có thể vượt qua ngưỡng 50 nghìn tỷ USD vào 5 năm tới – Nguồn: Bloomberg Intelligent
Có thể thấy ESG trong ngành thang máy đang tập trung phần lớn vào yếu tố môi trường và chúng ta có thể thấy được kết quả rõ ràng. Các kết quả này cũng có thể đo lường và đánh giá được. Đối với yếu tố xã hội và quản trị, việc đánh giá kết quả cụ thể sẽ không thể dễ dàng và doanh nghiệp cũng cần ý thức được điều này.
Cũng có một số ý kiến cho rằng ESG chỉ nên tập trung vào tính bền vững của môi trường.
Theo ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Hải Đức thì bản chất của ESG là cụ thể của việc tôn trọng quy luật Nhân – Quả. Qui luật này bao trùm lên tất cả qui luật của tự nhiên và xã hội. Thay vì chạy theo Quả chính là lợi nhuận ngắn hạn thì chúng ta nên bắt đầu từ Nhân mà cụ thể là doanh nghiệp phải luôn chú ý đến lợi ích của các bên (Cộng đồng – Nhân viên – Môi trường – Doanh nghiệp) thì sẽ phát triển bền vững.
Việt Nam đã có những hoạt động nhằm phát triển ESG. Mới đây, Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố sáng kiến mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững với mục tiêu là đến năm 2025 sẽ cung cấp các gói hỗ trợ kỹ thuật ESG cho 300 doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng. Đây là nỗ lực nhằm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam giai đoạn 2021- 2030 và Quyết định số 167 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững./.