Cách mạng 4.0 có thể tạo ra khủng hoảng thừa vô dụng 

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã làm thay đổi sâu sắc các phương thức sản xuất trong nền kinh tế toàn cầu. Robot dần thay thế con người, không chỉ ở phần “cơ bắp” mà đã mở rộng sang cả tư duy logic. Điều này tạo ra một nguy cơ khủng hoảng mà loài người buộc phải nhìn thẳng vào sự thật: Khủng hoảng thừa vô dụng!

Khốc liệt

Đó có thể chưa phải là điều mà các quốc gia quan tâm khi sự dịch chuyển từ thâm dụng lao động sang tự động hóa, máy móc dần thay thế con người. Giống như câu chuyện về hội chứng ếch luộc (Bolling frog), CMCN 4.0 đã và diễn ra âm ỉ, như dòng chảy ngầm dưới đáy đại dương. Tất cả chúng ta dù muốn hay không cũng đã tham gia vào vòng xoáy trôn ốc của nhân loại mà trong đó những tiến bộ của công nghệ chính là động lực thúc đẩy. 

Mặc dù mãi đến năm 2011, khái niệm CMCN 4.0 mới được đưa ra bởi các nhà khoa học Đức khi thực hiện một dự án cho Chính phủ nhưng thực tế nó đã âm thầm diễn ra từ những thập niên trước.

nh 1 - Cách mạng 4.0 có thể tạo ra khủng hoảng thừa vô dụng

Lao động làm công việc lặp đi lặp lại, chủ yếu trong sản xuất là những người đầu tiên bị ảnh hưởng trực tiếp bởi tự động hóa, với ngành công nghiệp ô tô chịu tác động lớn nhất. Kể từ năm 1980, số công nhân sản xuất ở Mỹ đã giảm một phần ba, xuống còn khoảng 13 triệu, trong khi sản lượng lại tăng gấp đôi. 

Công ty dẫn đầu về thương mại điện tử toàn cầu là Amazon đã có 30.000 robot thực hiện hoạt động trong các kho hàng của mình trên toàn thế giới. Vào năm 2012, công ty đã mua lại nhà phát triển và sản xuất robot Kiva System, hiện nay là Amazon Robotics, với số tiền 755 triệu đô la Mỹ. Điều này đã tạo ra các “bot” thay thế số lượng lớn nhân sự làm công tác lưu kho và điều phối vận đơn.

Báo cáo của Nielsen (công ty nghiên cứu thị trường và quảng bá toàn cầu) cho biết: 30% việc làm ở Anh có thể bị đe dọa bởi những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (AI) và dự báo đến năm 2030, 38% việc làm ở Mỹ có nguy cơ lỗi thời. 

McKinsey (công ty tư vấn quản lý toàn cầu) đã có nghiên cứu đánh giá các công nghệ hiện đại được chứng minh là có thể tự động hóa 45% hoạt động của con người ở 60% các ngành nghề hiện có.

Nếu ở những cuộc cách mạng trước, người lao động có thể chuyển từ công việc này sang công việc khác nhưng đến CMCN 4.0 thì sự dịch chuyển lao động như vậy sẽ giảm mạnh, thậm chí không còn. Những công việc có tính chất lặp đi lặp lại, có thể lập trình được thì robot hoàn toàn có thể thay thế con người. Điều này đặt ra áp lực cho con người trong tương lai cần có năng lực học tập để đạt những trình độ cao mà máy móc không thể làm được.

“Người mù chữ của thế kỷ 21 không phải là người không biết đọc, không biết viết mà là người không biết học hỏi, từ chối học hỏi và từ chối học lại”(**). Đó là nguyên nhân của khủng hoảng thừa vô dụng – Thách thức thực sự mà lực lượng lao động sẽ phải đối mặt.

Những “quân đoàn thất nghiệp” trong thế giới mới?

Câu hỏi này không chỉ dành cho các nhà hoạch định chiến lược và chính sách kinh tế thế giới, các nguyên thủ quốc gia mà dành cho tất cả chúng ta.

CMCN 4.0 chủ yếu được thúc đẩy bởi bốn yếu tố cốt lõi: Internet di động tốc độ cao, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, sử dụng phân tích dữ liệu lớn và công nghệ đám mây. Trong số bốn công nghệ này, AI và tự động hóa dự kiến sẽ có tác động đáng kể nhất đến số liệu việc làm trong lực lượng lao động toàn cầu.

Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các phương pháp sản xuất truyền thống từ trước đến giờ, cho dù có hiện đại ở ngày hôm nay thì đến ngày mai rất có thể đã lạc hậu. Sẽ có những ngành nghề dần biến mất hoặc biến đổi về “chất”. Máy móc dần thay thế các vị trí của con người. Khi đó, sự bất bình đẳng ngày một trở nên lớn hơn, đặc biệt ở khả năng phá vỡ cơ cấu của thị trường lao động. Tri thức sẽ càng trở nên quan trọng hơn trong các khâu sản xuất của tương lai. Viễn cảnh về một thị trường lao động phân hóa sâu sắc: Kỹ năng thấp/lương thấp và Kỹ năng cao/Lương cao không còn xa vời.

nh 2 - Cách mạng 4.0 có thể tạo ra khủng hoảng thừa vô dụng
Xu thế tất yếu của tương lai gần đối với mọi lĩnh vực

Trong tương lai gần, số lượng nhân viên toàn thời gian trong các ngành sản xuất và nông nghiệp sẽ “lũy tiến ngược”. Robot cũng có thể xử lý hiệu quả và an toàn hơn các nhiệm vụ trong các nhà máy công nghiệp và ngành thang máy chắc chắn cũng không phải là ngoại lệ.

McKinsey công bố báo cáo cho thấy khoảng 1/5 lực lượng lao động toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi việc áp dụng AI và tự động hóa, với tác động đáng kể nhất ở các quốc gia phát triển như Anh, Đức và Mỹ. Năm 2022, 50% công ty khi được khảo sát đã tin rằng tự động hóa sẽ làm giảm số lượng nhân viên toàn thời gian của họ và chỉ gần 10 năm tới, robot sẽ thay thế 800 triệu công nhân trên toàn thế giới.

“Có lẽ trong thế kỷ 21, các cuộc nổi dậy dân túy sẽ được tiến hành không phải để chống lại một lớp tinh hoa kinh tế bóc lột con người mà sẽ chống lại một lớp tinh hoa kinh tế không cần đến người dân nữa”.(*)

Đó là khi con người đối mặt với việc mình trở nên vô dụng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Một nỗi ám ảnh của người lao động trong nền kinh tế tri thức.

Trở nên xuất sắc để không bị thay thế

Các báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ ra một thực tế tại Việt Nam. Đó là việc CMCN 4.0 đang tạo ra những gián đoạn kép đối với thị trường lao động và cơ cấu lao động do đòi hỏi các yêu cầu kỹ năng mới nâng cao. 

Trong báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố năm 2021, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng đón nhận CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có tay nghề cao. So sánh với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thì Việt Nam đứng sau Malaysia, Thái Lan, Philippines…và ngang hàng với Campuchia.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng đánh giá Việt Nam sẽ nằm trong nhóm các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của CMCN 4.0, đối mặt với thách thức cải thiện kỹ năng và chuyển đổi nghề nghiệp trong tương lai. Những ngành nghề thâm dụng lao động sẽ chuyển đổi như một sự tất yếu hoặc thậm chí có những công việc sẽ hoàn toàn biến mất. 

Những số liệu “đáng buồn” nói trên buộc chúng ta phải nhìn lại những bất cập trong vấn đề đào tạo, chuẩn hóa đào tạo và định hướng đào tạo cho thị trường lao động, đặc biệt đối với lao động sản xuất trong các ngành công nghiệp.

nh 3 - Cách mạng 4.0 có thể tạo ra khủng hoảng thừa vô dụng
Công nghiệp thang máy sẽ chuyển từ thâm dụng lao động (sử dụng nhiều lao động đơn giản) sang sử dụng trí tuệ nhân tạo và robot 

Một là, cần chủ động đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động. Bài toán về phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh hiện nay đã có thêm những tiêu chí, điều kiện ràng buộc mới, hết sức khó khăn, đòi hỏi sự đổi mới toàn diện trong công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo không thể vẫn sử dụng phương pháp cũ, thiếu tính tương tác, thiếu thực tiễn của mô hình sản xuất mới để đào tạo. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ tụt hậu và lãng phí rất lớn.

Hai là, cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai. Đây là nội dung cần được đặc biệt quan tâm, bởi cuộc CMCN 4.0 sẽ có tác động rất lớn tới cơ cấu của nền kinh tế, tạo ra khả năng suy giảm, thậm chí những ngành nghề truyền thống có thể biến mất. Trong khi đó nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện. 

Ba là, cần sự kết hợp 3 "nhà": Nhà trường – Nhà khoa học – Nhà Doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực phục vụ CMCN 4.0. Hiện tại, chủ yếu là phía doanh nghiệp có nhu cầu gắn kết với nhà trường - nhà khoa học. Trong khi đó ở chiều ngược lại, hệ thống giáo dục nghề nghiệp công lập chưa thể hiện nhiều nhu cầu trong mối quan hệ này. Đó là điều sẽ cần phải được quan tâm.

Nằm trong xu thế tất yếu, ngành công nghiệp thang máy Việt Nam cũng sẽ biến đổi mạnh mẽ, cần ít nhân sự hơn trong sản xuất hay cung ứng dịch vụ. Những hệ thống tự động hóa trong sản xuất sẽ thay thế công nhân lắp ráp. Bảo trì thụ động sẽ chuyển sang bảo trì chủ động bởi những kỹ thuật viên ở khoảng cách hàng nghìn kilomet. Các dây chuyền, nhà máy sản xuất trên toàn cầu sẽ được quản lý qua Blockchain…

Đó sẽ là những khả năng có thể xảy ra trong tương lai mà con người có thể dự báo tương đối chính xác. Nhưng nếu chúng ta không đặt nền móng tri thức và kế hoạch đào tạo ngay từ bây giờ thì sẽ luôn là kẻ xuất phát sau trên cuộc đua toàn cầu.

Sợ hãi và bị thay thế hay cải thiện kỹ năng để trở nên xuất sắc trong một thế giới VUCA. Đó là quyền của mỗi chúng ta!

(*) Trích 21 bài học cho thế kỷ 21, tác giả Giáo sư Yuval Noah Harari, ĐH Hebrew, Jerusalem

(**) Alvin Toffler, Nhà tương lai học nổi tiếng nhất thế giới


Các tin khác

Lao động thang máy: Chứng chỉ quốc tế, cơ hội toàn cầu

Lao động thang máy: Chứng chỉ quốc tế, cơ hội toàn cầu

Vấn đề thiếu hụt kỹ thuật viên thang máy đang diễn ra tại nhiều quốc gia trên thế giới do nhu cầu lắp mới và hiện đại hóa thang cũ tăng cao. Việc sở hữu chứng chỉ đào tạo thang máy quốc tế sẽ trở thành “tấm vé thông hành”, giúp người lao động gia nhập thị trường lao động đầy tiềm năng này.
Các chuyên gia nói gì về tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy?

Các chuyên gia nói gì về tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy?

Tại Họp báo công bố Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy, đại diện các bên liên quan từ cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị giáo dục đào tạo, các doanh nghiệp và chủ sở hữu thang máy đều nhận định về lợi ích của Tiêu chuẩn cơ sở này.
Năng suất lao động Việt Nam thấp do đâu?

Năng suất lao động Việt Nam thấp do đâu?

Năng suất lao động của Việt Nam thấp, có khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực. Nhiều năm qua, dù tăng trưởng nhưng tốc độ tăng vẫn chậm và cách xa so với mục tiêu đặt ra.
Hành trình gắn kết ngành thang máy Việt

Hành trình gắn kết ngành thang máy Việt

3 năm không phải là chặng đường dài nhưng là một hành trình đáng trân trọng và tự hào, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng như các hội viên, thành viên của Hiệp hội đã chứng minh một điều: Mọi khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua nếu chúng ta có ý chí đủ lớn và khát vọng đủ nhiều.
Xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở ngành: Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy

Xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở ngành: Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy

TCTM - Tiêu chuẩn cơ sở cho ngành thang máy là cần thiết và cấp thiết, do đó, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn ngành dựa trên tiêu chuẩn quốc gia (TCVN). Trước mắt, tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) về thang máy không chỉ tập trung vào các yêu cầu an toàn trong giai đoạn sản xuất và lắp đặt mà cả trong quá trình sử dụng, tổ chức vận hành, bảo trì sửa chữa.
"Lối đi cho Tạp chí Thang máy"

"Lối đi cho Tạp chí Thang máy"

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau.” Ai cũng có thể nói, ai cũng có thể hiểu nhưng để làm được, quả thật rất khó.

Giới thiệu doanh nghiệp

Sự kiện nổi bật