Nhân lực ngành thang máy hiện đang yếu và thiếu. Thực trạng này đặt ra những thách thức không nhỏ cho sự phát triển của các doanh nghiệp và của cả ngành công nghiệp thang máy Việt Nam.
Khi “cơn bão” công nghệ thông tin làm cho các tòa nhà trở nên thông minh hơn, thang máy và thang cuốn cũng cần thông minh hơn để phục vụ nhu cầu di chuyển con người. Cùng với đó là nhu cầu lắp đặt, bảo trì, sửa chữa các hệ thống này cũng tăng lên. Điều này đòi hỏi lực lượng đội ngũ kỹ thuật viên có trình độ tay nghề cao, kỹ thuật cao để đáp ứng được sự phát triển nhanh của thị trường.
Dự báo của Cục An toàn lao động - Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, đến năm 2043 khi Việt Nam trở thành nước phát triển thì số lượng thang máy có thể đạt tới con số hàng triệu thang máy.
Tương ứng, số lượng nhân viên kỹ thuật cần có sẽ vào khoảng 10.000 người và sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Bên cạnh đó, nhu cầu nhân lực trẻ trong lĩnh vực thang máy của các nước tiên tiến cũng rất lớn. Đây là thị trường tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu lao động.
Tuy nhiên, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Đó là tình trạng nhân lực thiếu kiến thức chuyên môn, không được đào tạo chính quy, chuyên sâu về lĩnh vực thang máy. Trình độ nhân lực chưa tương xứng với tốc độ phát triển của ngành công nghiệp thang máy.
Lao động ngành thang máy: Cầu “khát” nhân lực trình độ trong khi Cung chưa đáp ứng được
Thành phố Hồ Chí Minh có 29 trường cao đẳng công lập, 19 trường trung cấp công lập, nhưng chưa có bất cứ cơ sở đào tạo chính quy ngành/nghề thang máy. Những nội dung kiến thức mà các nhà trường đang giảng dạy chỉ là một mô-đun nhỏ nằm trong giáo trình đào tạo các ngành/nghề khác như điều khiển tự động, cơ điện tử, quản lý và vận hành tòa nhà,…
Đánh giá được định hướng phát triển của xã hội, nhu cầu thị trường lao động, giải quyết những nhu cầu cấp bách về lao động ngành thang máy trong thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh đã liên kết với doanh nghiệp trong lĩnh vực thang máy. Đó là các hình thức ký kết hợp tác đưa sinh viên thực tập, thực tế tại doanh nghiệp, đặt trung tâm đào tạo nghề thang máy của doanh nghiệp tại trường tạo điều kiện cho sinh viên các ngành nghề gần với lĩnh vực được học tập, trải nghiệm thực tế, nâng cao chuyên môn về thang máy. Điều này đã góp phần cung ứng cho thị trường một lực lượng lao động quan trọng. Phía Nam có trường Cao đẳng Lý Tự trọng Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với KONE Việt Nam thành lập trung tâm đào tạo KONE; Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng liên kết với công ty thang máy Schindler,… là các ví dụ điển hình.
Bên cạnh đó, khi chưa có chương trình đào tạo, mã ngành đào tạo về kỹ thuật thang máy trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp thì các doanh nghiệp trong ngành thang máy buộc phải chủ động tự tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ nhân lực tại doanh nghiệp. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn trong quá trình quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, quản lý và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực thang máy.
Hợp tác đào tạo giữa Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội với Gama Service mang lại hiệu quả thực tiễn cao cho học viên kỹ thuật thang máy
Thứ nhất, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần được cấp mã ngành để mở ngành đào tạo chính quy về kỹ thuật thang máy, từ cơ bản đến chuyên sâu về ngành học đặc thù này. Điều này cũng đòi hỏi công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ thực tiễn nghề nghiệp cho các nhà giáo có liên quan đến công tác đào tạo. Các chương trình đào tạo cần liên tục cập nhật, có sự tham gia, trao đổi góp ý của doanh nghiệp để tăng tính thực tế và bám sát nhu cầu của thị trường lao động. Đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đào tạo phù hợp cho ngành thang máy. Phương pháp phù hợp nhất là học qua công việc (training on job hay training by doing). Tại Việt Nam hiện nay có các đơn vị GamaLift, Kone, Schindler thực hiện mô hình này. Đây là phương pháp đào tạo tối ưu cần nhân rộng để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng cao của ngành thang máy.
Thứ hai, cần sớm xây dựng Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Quốc gia cho ngành thang máy. Đây là tiền đề cơ bản nhất để chuẩn hóa lại lực lượng lao động trong ngành, tạo điều kiện quản lý, giám sát chất lượng nguồn nhân lực. Sẽ như thế nào nếu thiếu đi tiêu chuẩn để so sánh, đánh giá, đặc biệt liên quan đến những kỹ năng, phẩm chất của yếu tố con người?
Thứ ba, cộng đồng doanh nghiệp thang máy cần tăng cường liên kết Hiệp hội Thang máy Việt Nam để chuyển giao tri thức, đào tạo định hướng, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động các nội dung liên quan về lĩnh vực thang máy.
Thứ tư, xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo của nhà trường, nhân rộng mô hình nhà trường liên kết với doanh nghiệp về thang máy đào tạo bồi dưỡng cho người học tại trường. Đồng thời, tăng cường trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo ngành nghề về thang máy tại trường nhằm chuẩn hóa nguồn nhân lực theo kịp nhu cầu xã hội.
Mối quan hệ giữa giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động là mối quan hệ cung - cầu. Để đáp ứng chất lượng của nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường lao động, đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với vai trò là bên cung ứng nguồn nhân lực đã qua đào tạo và doanh nghiệp với tư cách là bên sử dụng nguồn lao động, phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả nhằm tạo ra được lực lượng lao động có kỹ thuật cao, đạo đức tốt, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, góp phần cải thiện, thúc đẩy ngành công nghiệp thang máy Việt Nam phát triển nhanh và bền vững./.
NCS. Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ, TB & XH Thành phố Hồ Chí Minh
Biên tập: Thái Sơn - Đồ họa: Hendrik Trần