Theo số liệu thống kê của Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến ngày 31/12/2020, trên cả nước có trên 4 vạn di tích đã được kiểm kê, lập danh mục theo quy định của Luật Di sản văn hóa, trong đó có 119 di tích quốc gia đặc biệt, 3.560 di tích quốc gia, gần 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố. Các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nói trên đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Trong quá trình hội nhập, di sản văn hóa trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước, là nguồn lực nội sinh quan trọng để phát triển đất nước. Chúng ta có thể thấy điều đó qua số liệu thống kê năm 2019, khách du lịch quốc tế, trong nước tới tham quan các khu di sản ở Việt Nam tăng mạnh, đem lại nguồn thu lớn từ vé tham quan và dịch vụ du lịch, như: Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đón 4,4 triệu khách (2,9 triệu khách quốc tế, 1,5 triệu khách trong nước), thu từ vé 1.237 tỷ đồng; Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) đón 6.327.488 lượt khách (5.567.628 khách trong nước, 759.859 khách quốc tế) doanh thu từ phí danh lam và phí chở đò đạt khoảng 867,5 tỷ đồng; Quần thể di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) đón 3,33 triệu khách (2,22 triệu khách quốc tế, 1,11 triệu khách trong nước), thu từ vé 378 tỷ đồng; Khu phố cổ Hội An (Quảng Nam) đón 2.498.230 khách (2,15 triệu khách quốc tế, 348.230 khách trong nước), thu từ vé 300 tỷ đồng; Khu Di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam) đón 419.000 khách (374.000 khách quốc tế, 45.000 khách trong nước), thu từ vé 61 tỷ đồng; Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) đón 462.000 khách (231.000 khách quốc tế, 231.000 khách trong nước), thu từ vé 11,1 tỷ đồng,... Có thể thấy, hầu hết các di sản của Việt Nam đã đón nhận sự gia tăng đáng kể cả về lượt khách tham quan cũng như doanh thu từ việc bán vé tham quan, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho hàng vạn lao động, nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư địa phương tại nơi có di sản.
Thang máy Lacerda (Brazil)
Từ những tiềm năng đó, thời gian qua, một số địa phương đã kêu gọi đầu tư vào khai thác để phát huy lợi thế phục vụ phát triển du lịch danh thắng, trong đó có việc đưa thang máy vào các điểm di tích, danh thắng để phục vụ du khách. Tháng 5/2011, ngành du lịch Đà Nẵng đã chính thức đưa vào hoạt động hệ thống thang máy lên ngọn Thủy Sơn thuộc quần thể Ngũ Hành Sơn, thang có 2 cabin có thể chứa được 20 khách/lượt. Một điểm đến lý tưởng khác là cầu kính Rồng Mây nằm ở độ cao 2.200m so với mực nước biển, thuộc Khu du lịch cầu kính Rồng Mây ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Để lên được cầu kính Rồng Mây, du khách sẽ được đi thang máy với độ cao 300m, trong đó khoảng 80m thang máy đi trong lòng núi… Thang máy giúp du khách chiêm ngưỡng cảnh vật từ trên cao với những trải nghiệm hết sức thú vị trong khung cảnh núi non hùng vĩ vừa đẹp, vừa nên thơ. Phương tiện này đặc biệt hữu hiệu đối với người già và trẻ nhỏ hoặc khi du khách muốn đi tham quan nhiều điểm đến trong quỹ thời gian có hạn.
Cầu Kính Rồng Mây (Lai Châu)
Thang máy tại các điểm di sản là cần thiết, nhưng làm thế nào để thiết kế, triển khai lắp đặt, vận hành thang máy thực sự trở thành cầu nối phát triển du lịch, phục vụ nhu cầu hưởng thụ của con người, đồng thời không phá vỡ cảnh quan, không ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của di sản - là vấn đề cần xem xét và triển khai một cách thận trọng. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu đó, chúng ta dễ dẫn đến tình trạng bừa bãi, phá vỡ quy hoạch, vi phạm các quy định của pháp luật về di sản văn hóa và các văn bản pháp luật khác có liên quan và tất yếu dẫn đến những phản ứng trái chiều trong dư luận và người dân.
Thang máy Santa Justa (Bồ Đào Nha)
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi mạnh mẽ kinh tế - xã hội toàn thế giới, Việt Nam không phải là ngoại lệ. Thời gian tới, chúng ta kỳ vọng thang máy sẽ trở thành hạng mục phụ trợ, là cầu nối phát triển du lịch tại các điểm di tích, danh thắng. Để làm được điều đó, trước hết ngành thang máy phải khẳng định được vị trí, chất lượng, dịch vụ và tính ưu việt, phù hợp với từng điều kiện địa hình cụ thể, đồng thời cần có sự đồng thuận của các cấp chính quyền ngay từ khi bắt đầu xây dựng quy hoạch.