Từ điển thang máy - bước phát triển mới cho ngành thang máy Việt Nam

1. Tổng quan về Từ điển thang máy

Từ điển thang máy là gì?

Như chúng ta đã biết, từ điển chuyên ngành là một loại từ điển trình bày về các thuật ngữ và khái niệm thuộc về một ngành hay lĩnh vực cụ thể ví dụ như từ điển y học, từ điển kinh tế, từ điển kỹ thuật,... Theo đó, từ điển thang máy (hay từ điển ngành thang máy) là loại từ điển trình bày về các thuật ngữ liên quan đến lĩnh vực thang máy như thiết kế, sản xuất, lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa thang máy. 

Từ điển thang máy là tài liệu quan trọng để tra cứu và tham khảo thông tin chuyên sâu dành cho những người học tập, nghiên cứu, làm việc liên quan đến lĩnh vực thang máy, bao gồm cả sản xuất, kinh doanh và đào tạo nhân sự.

Nội dung cơ bản của một từ điển thang máy

Nội dung cơ bản của từ điển thang máy sẽ trình bày định nghĩa và diễn giải các thuật ngữ, ký hiệu, cụm từ chuyên môn dùng trong lĩnh vực thang máy, bao gồm các chủ đề về:

  • Cấu tạo của thang máy: Hố thang, khung giếng thang, phòng máy, cabin, đối trọng, hệ thống truyền động, hệ thống điều khiển, hệ thống an toàn,...
  • Linh kiện, thiết bị thang máy: tên gọi, vai trò cũng như thời gian sử dụng, thay thế của chúng.
  • Phân loại thang máy: Thang máy tải khách, thang máy tải hàng, thang máy chuyên dụng, thang máy thủy lực, thang máy cáp kéo, thang máy không phòng máy/có phòng máy,...
  • Tiêu chuẩn kỹ thuật: Tiêu chuẩn hiện hành về thiết kế, lắp đặt, vận hành, bảo trì thang máy.
  • Vấn đề về vận hành và đảm bảo an toàn: cách vận hành thang máy, các nguy cơ tiềm ẩn, biện pháp phòng ngừa tai nạn, quy trình xử lý sự cố thang máy.

Ngoài ra, từ điển thang máy còn có thể kèm theo các thông tin bổ sung khác như:

  • Hình ảnh minh họa: giúp người đọc dễ hình dung cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các bộ phận thang máy tương ứng.
  • Bảng biểu dữ liệu: thông tin chi tiết về thông số kỹ thuật, kích thước, tải trọng của các loại thang máy khác nhau được sắp xếp theo bảng để dễ tra cứu.
  • Thuật ngữ liên quan: các thuật ngữ quốc tế (thường là tiếng Anh) về chuyên ngành thang máy,...
  • Tài liệu tham khảo bổ sung: các tài liệu tham khảo bổ sung được liệt kê trong từ điển thang máy như sách, bài báo khoa học hoặc tiêu chuẩn quốc tế về thang máy để người đọc có thể tham chiếu hoặc tìm thêm về chủ đề mà mình quan tâm.

Yêu cầu đối với từ điển chuyên ngành thang máy

Do có một vai trò quan trọng và ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, từ điển ngành thang máy cần đảm bảo các tiêu chí sau:
- Có tính chuyên môn cao: Từ điển chuyên ngành thang máy cần đưa ra các thuật ngữ và khái niệm chuyên ngành, phản ánh đúng bản chất của đối tượng kỹ thuật trong lĩnh vực thang máy. Ví dụ, trong từ điển ngành thang máy đưa ra các thuật ngữ về "cáp tải" để mô tả thành phần dùng để kéo cabin, "hệ thống điều khiển" để điều khiển hoạt động, "thang máy thủy lực" để phân loại thang máy,...
- Định nghĩa đầy đủ, rõ ràng: Các thuật ngữ trong từ điển chuyên ngành cần được định nghĩa chi tiết hơn để người đọc có thể hiểu rõ về chức năng, cấu tạo và cách sử dụng của chúng.
Ví dụ: Thang máy thủy lực (Hydraulic Elevator) là Loại thang máy sử dụng cơ chế thay đổi áp suất dầu thủy lực trong cơ cấu xi lanh - pit tông để nâng và hạ cabin.
- Được cập nhật thường xuyên: Công nghệ thang máy liên tục phát triển từ điều khiển cơ học đến điều khiển điện tử, rồi đến điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo AI dẫn đến thuật ngữ, đối tượng mới về thang máy liên tục xuất hiện. Do đó, từ điển chuyên ngành thang máy cần được cập nhật thường xuyên để phản ánh đúng và thích nghi kịp thời sự phát triển này.

2. Các tư liệu tra cứu, từ điển về thang máy phổ biến trên thế giới

Dưới đây là một số ấn phẩm từ điển hoặc tài liệu đóng vai trò như là từ điển về chuyên ngành thang máy đã có trên thế giới:

- "Elevator and Escalator Micropedia": đây là một cuốn sách xuất bản bởi Hiệp hội kỹ sư thang máy quốc tế IAEE, trong đó cung cấp các khái niệm và thuật ngữ quan trọng trong ngành thang máy và thang cuốn, có thể dùng tra cứu các kiến thức cơ bản và chuyên sâu về thang máy.

Ấn phẩm: Elevator-and-Escalator-Micropedia

- "Elevator Mechanical Design": Cuốn sách chứa nhiều thông tin kỹ thuật về thiết kế cơ khí của thang máy, bao gồm các thuật ngữ và khái niệm cần thiết cho các kỹ sư và nhà thiết kế.

Ấn phẩm: Elevator-Mechanical-Design

- "Elevator Technology": Cuốn sách này một tài liệu tham khảo quan trọng cho các kỹ sư và nhà thiết kế thang máy, bao gồm các thuật ngữ chuyên ngành và giải thích chi tiết về các công nghệ thang máy hiện đại.

Ấn phẩm: Elevator Technology

- "Elevator and Escalator Technology Dictionary": Đây là một cuốn từ điển chuyên ngành thang máy (có cả phiên bản tiếng Anh và tiếng Trung), cung cấp các thuật ngữ và định nghĩa liên quan đến thang máy và thang cuốn rất hữu ích.

Ấn phẩm: Dictionary of Elevator and Escalator Technology

- Các bộ Tiêu chuẩn quốc tế về thang máy:
Các bộ tiêu chuẩn như EN 81 (Châu Âu), ASME A17 (Mỹ) và JIS (Nhật Bản) trong đó đã bao gồm hầu hết các thuật ngữ và định nghĩa chi tiết liên quan đến thang máy và thang cuốn, mặc dù chúng không phải là từ điển theo nghĩa truyền thống nhưng được đông đảo các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ thang máy cũng như giới học thuật dùng để tra cứu thông tin kỹ thuật thang máy.

 

Tiêu chuẩn ASME-A17 cho thang máy của Hoa Kỳ
Tiêu chuẩn ASME-A17 cho thang máy của Hoa Kỳ
Tiêu chuẩn EN-81-20 cho thang máy của EU
Tiêu chuẩn EN-81-20 cho thang máy của EU
Tiêu chuẩn jis cho thang máy của Nhật Bản
Tiêu chuẩn JIS cho thang máy của Nhật Bản

Các tiêu chuẩn quốc tế trên cũng đã được Việt Nam tham khảo để xây dựng lên các bộ tiêu chuẩn cho thang máy của mình.

 

3. Hiệp Hội Thang máy Việt Nam với tiến trình xây dựng bộ Từ điển ngành thang máy

Hiệp hội thang máy Việt Nam (VNEA) đã nhận thấy nhu cầu thực tế của từ điển thang máy, từ đó định hướng xây dựng hoàn chỉnh bộ từ điển cho ngành thang máy Việt Nam.

3.1- Đánh giá sự cần thiết của việc xây dựng bộ từ điển cho ngành thang máy Việt Nam

a. Vai trò của từ điển thang máy đối với ngành thang máy Việt Nam

- Trước hết, từ điển thang máy giống như một cuốn sổ tay kỹ thuật. Các kỹ sư thiết kế, kỹ thuật viên lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa, cũng như người quản lý, kinh doanh thang máy của Việt Nam nhanh chóng tra cứu được các thuật ngữ, kiến thức cần thiết để làm tốt công việc chuyên môn của họ.

- Gia tăng hiệu quả công việc và giảm thiểu sai sót: việc sử dụng các thuật ngữ kỹ thuật thang máy một cách thống nhất, mọi người sẽ nắm rõ nội dung công việc để thực hiện một cách chính xác, tránh được hiểu lầm, sai sót. 

Một Kỹ thuật viên thang máy lành nghề ở một công ty này khi chuyển sang công ty khác sẽ khó phát huy được sở trường do việc phối hợp làm việc theo đội, nhóm không được ăn ý nếu thiếu đi sự thống nhất chung về các đối tượng kỹ thuật thang máy.

- Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề thang máy, kết nối đào tạo với thực tiễn:

Nếu có từ điển chuyên ngành về lĩnh vực thang máy, các khái niệm về kỹ thuật thang máy của các chương trình đào tạo sẽ trở lên đồng nhất và sát với thực tế, để cho học viên dễ dàng tiếp thu kiến thức của các giáo trình. Đó cũng là tài liệu tham khảo cần thiết để sinh viên, học viên hay những người mới vào nghề có thể tra cứu và nắm vững các khái niệm, ứng dụng của tất cả các đối tượng kỹ thuật của thang máy… từ đó, giúp họ học tập hiệu quả, dễ bắt nhịp với công việc liên quan đến thang máy. 

- Để trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực thang máy ở phạm vi quốc tế có hiệu quả cao, cần có một ngôn ngữ kỹ thuật chung. Trong các dự án quốc tế hoặc khi làm việc với các đối tác nước ngoài, sự thiếu nhất quán trong thuật ngữ kỹ thuật có thể dẫn đến những hiểu lầm và khó khăn trong giao tiếp. 

Khi có từ điển thang máy, các thuật ngữ sẽ được áp dụng vào văn bản, giao tiếp một cách thống nhất, các đối tác nước ngoài khi tham gia vào các dự án, chương trình hợp tác tại Việt Nam dễ dàng hiểu được nội dung công việc, cũng như tuân thủ đúng các tiêu chuẩn về thang máy của Việt Nam. 

b. Tài liệu tra cứu về kỹ thuật thang máy tại Việt Nam có nhiều nhưng còn dàn trải

Các khái niệm, thuật ngữ về kỹ thuật thang máy của Việt Nam còn đang dàn trải ở nhiều văn bản, tài liệu kỹ thuật khác nhau, chưa thuận tiện cho việc tra cứu. Có thể kể đến là các Bộ tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 6395, TCVN 6396 dành cho thang máy, ấn phẩm "Thang máy và Thang cuốn" của NXB Khoa học và Kỹ thuật, và nhiều giáo trình giảng dạy về thang máy của các trường Đại học, Cao đẳng...

Trong khi đó, các tài liệu tra cứu của nước ngoài thì không phải nội dung nào cũng phù hợp với ngành thang máy Việt Nam. Hơn nữa, các từ ngữ, văn phong cũng cần diễn đạt lại cho gần gũi với văn hóa Việt Nam để việc tiếp thu, ghi nhớ trở lên dễ dàng.

Tài liệu về kỹ thuật thang máy tại Việt Nam có nhiều nhưng tản mát chưa tiện cho việc tra cứu nhanh
Tài liệu về kỹ thuật thang máy tại Việt Nam có nhiều nhưng tản mát chưa tiện cho việc tra cứu nhanh

c. Tổng kết, đánh giá từ các hội thảo, triển lãm thang máy

Trong nhiều năm qua, VNEA đã tổ chức và tham gia nhiều hội thảo, triển lãm trong nước và quốc tế, chẳng hạn như: 

  • Triển lãm thang máy quốc tế tại Việt Nam diễn ra hàng năm do VNEA và Vinasat (Bộ công thương) đồng tổ chức.
  • Triển lãm thang máy quốc tế tại Hàn Quốc - năm 2023.
  • Hội thảo "Đánh giá an toàn công trình trong quá trình khai thác, sử dụng và phổ biến một số nội dung pháp luật mới về hoạt động xây dựng".
  • Hội thảo Quốc tế ‘Xu hướng phát triển bền vững ngành thang máy tương lai’ - VNEA tổ chức năm 2023.
  • Hội thảo "Thông tin Thang máy Quốc tế Châu Á – Thái Binh Dương" - PALEA/VNEA đồng tổ chức năm 2023.
  • Hội thảo “Định hướng phát triển ngành thang máy Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa” - VNEA tổ chức năm 2022.
VNEA tham dự Triển lãm thang máy quốc tế tại Hàn Quốc năm 2023
VNEA tham dự Triển lãm thang máy quốc tế tại Hàn Quốc năm 2023 (nguồn ảnh: Tapchithangmay.vn)
Hội thảo Thông tin Thang máy Quốc tế do PALEA và VNEA đồng tổ chức (nguồn: Tapchithangmay.vn)
Hội thảo Thông tin Thang máy Quốc tế do PALEA và VNEA đồng tổ chức (nguồn: Tapchithangmay.vn)

Thông qua việc tổng kết kinh nghiệm từ các triển lãm, hội thảo trên, Hiệp Hội Thang Máy Việt Nam càng thấy được nhu cầu cấp thiết phải có bộ từ điển hệ thống lại các thuật ngữ kỹ thuật thang máy để giúp cho việc giao tiếp quốc tế, thương thảo hợp đồng cũng như chuyển giao công nghệ giữa Việt Nam với Quốc tế trở lên thuận lợi hơn. 

d. Nhu cầu thực tiễn trong hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ thang máy tại Việt Nam

Hiện nay, ngành thang máy Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về quản trị chất lượng, hiệu suất, sự an toàn của các hệ thống thang máy và cả vấn đề đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này. Sự phát triển các phần mềm quản trị rất tốn kém về chi phí. Nếu có thể dùng chung giữa các doanh nghiệp khác nhau thì vừa tăng hiệu quả quản trị, vừa giảm chi phí đầu tư. Nhưng thực tế, mọi chuyện không đơn giản như vậy. 

Chẳng hạn, Gama Service là đơn vị đã phát triển các ứng dụng quản lý linh kiện thang máy, quản lý công việc của nhân sự nhưng chỉ áp dụng được trong nội bộ của mình mà không áp dụng được cho các đơn vị thành viên khác của Hiệp hội Thang máy do nhận thức khác nhau về hệ thống định danh linh kiện thang máy, hay cơ cấu trong các hạng mục công việc liên quan đến lắp đặt, sửa chữa, bảo trì thang máy...

Ý tưởng về xây dựng một bộ từ điển thang máy chung cho ngành thang máy nhận được sự đồng tình của rất nhiều công ty thang máy cũng như các thành viên của Hiệp Hội Thang Máy Việt Nam.

 

3.2- Cách VNEA thực hiện xây dựng nội dung từ điển thang máy

Để bộ từ điển thang máy vừa có tính bao quát, đầy đủ, vừa đảm bảo được tính khoa học, chính xác, Ban nghiên cứu, soạn thảo từ điển của Viện nghiên cứu ứng dụng thang máy (Vilea) - Cơ quan trực thuộc  Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã thực hiện một khối lượng công việc rất lớn, trong thời gian dài, bao gồm:

- Nghiên cứu, tổng hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn Quốc gia đã ban hành về lĩnh vực thang máy tại Việt Nam.
- Nghiên cứu, tổng hợp tài liệu từ các hội thảo quốc tế trong và ngoài nước mà VNEA tổ chức hoặc tham gia.
- Làm việc với các đối tác quốc tế để được hỗ trợ và chuyển giao tài liệu phục vụ cho việc xây dựng nội dung từ điển.
- Lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý có kinh nghiệm của ngành thang máy Việt Nam để hiệu chỉnh nội dung.

Một số phiên bản tiêu chuẩn quốc gia về thang máy được VNEA tham khảo
Một số phiên bản tiêu chuẩn quốc gia về thang máy được VNEA tham khảo

Trên cơ sở đó, Hiệp Hội Thang Máy Việt Nam đã từng bước hoàn thiện nội dung của bộ từ điển thang máy bằng Tiếng Việt với tên gọi: "TỪ ĐIỂN NGÀNH THANG MÁY".

 

3.3- Nội dung của "Từ điển ngành thang máy" do VNEA xây dựng bao gồm những gì?

a. Nội dung của "Từ điển ngành thang máy" 

"Từ điển ngành thang máy" do VNEA biên soạn bằng Tiếng Việt, gồm có 3 phần chính:

- Phần 1: THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA:

Phần này trình bày các khái niệm, thuật ngữ về thang máy sắp xếp theo đặc điểm, chức năng, bộ phận, như cấu trúc và phân loại thang máy, thiết bị - linh kiện thang máy, cũng như các thuật ngữ liên quan đến công việc cụ thể về lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa.

- Phần 2: DANH MỤC THUẬT NGỮ THEO THỨ TỰ BẢNG CHỮ CÁI:

Phần này trình bày các thuật ngữ sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái để tiện cho việc tra cứu.

- Phần 3: TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Phần này trình bày về các tài liệu được tham khảo để mọi người có thể tham chiếu, tìm hiểu mở rộng về các nội dung của từ điển thang máy.

Hiện tại, "Từ điển ngành thang máy" đã được VNEA đăng ký bản quyền và sẽ sớm được xuất bản để ứng dụng trong lĩnh vực thang máy tại Việt Nam.

Chứng nhận bản quyền tác giả cho ấn phẩm
Chứng nhận bản quyền tác giả cho ấn phẩm "Từ điển ngành thang máy" của Viện Kỹ thuật ứng dụng thang máy thuộc VNEA

b. Một số ví dụ về các thuật ngữ thang máy có trong "Từ điển ngành thang máy" 

  • Thang máy (Lift/ Elevator): Là thiết bị nâng phục vụ những tầng dừng xác định, có cabin với kích thước và kết cấu thích hợp để chở người và chở hàng, di chuyển theo các ray dẫn hướng thẳng đứng hoặc nghiêng không quá 15° so với phương thẳng đứng.
  • Chủ sở hữu thang máy (Owner of the installation): Người hoặc pháp nhân có quyền định đoạt việc lắp đặt và chịu trách nhiệm về việc vận hành và sử dụng thang máy đã lắp đặt.
  • Đơn vị chuyên môn: Là một pháp nhân được thành lập và thực hiện hoạt động kinh doanh hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, có đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật và nhân viên có năng lực để cung cấp một hoặc nhiều loại hoạt động trong sản xuất thang máy và thiết bịthang máy, lắp đặt, vận hành, bảo trì, sửa chữa và hiện đại hóa thang máy.
  • Người bảo trì có năng lực (Competent maintenance person): Người được chỉ định, được đào tạo phù hợp, có trình độ về kiến thức và kinh nghiệm thực tế, được cung cấp các hướng dẫn cần thiết và được đơn vị bảo trì hỗ trợ để có thể thực hiện các hoạt động bảo trì cần thiết một cách an toàn.
  • Lý lịch thang máy: Tài liệu chứa thông tin về nhà sản xuất, ngày sản xuất thang máy và số seri, dữ liệu kỹ thuật cơ bản và đặc điểm của thang máy và thiết bị của nó, thông tin về các thiết bị an toàn, niên hạn sử dụng của thang máy, bao gồm cả dữ liệu về mức hiệu quả năng lượng của thang máy, đồng thời dùng để cập nhật thông tin về thang máy trong quá trình vận hành.
  • Thang máy chở người (Passenger lift): Thang máy được thiết kế để chở người (Loại I – class I) hoặc chở người có tính đến vận chuyền hàng hóa (Loại II – Class II).
  • Kiểu thang máy (Model): Thang máy của một nhà sản xuất cụ thể, được đặc trưng bởi các giải pháp thiết kế thống nhất và trang bị hoàn chỉnh bộ truyền động, cabin, hệ thống điều khiển và các thiết bị an toàn.
  • Tốc độ định mức (Rated speed): Tốc độ chuyển động của cabin thang máy trong quá trình hoạt động bình thường mà thang máy được thiết kế, tính bằng mét trên giây (m/s).
  • Chiều cao phòng máy (Machine room height): Khoảng cách nhỏ nhất đo được theo phương thẳng đứng giữa sàn đặt máy đã hoàn thiện và trần phòng máy, đáp ứng đồng thời các nguyên tắc xây dựng và thiết bị thang máy.
  • Bản vẽ lắp đặt: Tài liệu chứa thông tin và kích thước cần thiết để lắp đặt thang máy, trong đó hiển thị các hình dạng và mặt cắt (có kích thước), bao gồm giếng thang, phòng máy và phòng puli, đưa ra ý tưởng về vị trí và kết nối các bộ phận của thang máy, cũng như tải trọng từ thang máy đến phần xây dựng của tòa nhà (công trình).

Các thuật ngữ trong lĩnh vực thang máy đều được diễn giải một cách rõ ràng, dễ hiểu và phân loại, sắp xếp theo từng chuyên mục phù hợp để tiện lợi nhất cho việc tra cứu.

 

Có thể nói, từ điển thang máy là một công cụ hỗ trợ quan trọng cho công việc sản xuất, kinh doanh, quản trị và đào tạo trong lĩnh vực thang máy. Sự ra đời của bộ "TỪ ĐIỂN NGÀNH THANG MÁY" do VNEA biên soạn sẽ giúp nâng cao năng lực kinh doanh, hợp tác của các thành viên trong Hiệp hội thang máy; Hơn nữa là thúc đẩy ngành thang máy Việt Nam hoạt động hiệu quả, an toàn và bắt kịp được với sự phát triển chung của ngành thang máy quốc tế. 


Về Hiệp hội thang máy Việt Nam (VNEA):

Hiệp hội Thang máy Việt Nam là kênh kết nối các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn. Với mục đích phục vụ cộng đồng, VNEA cung cấp những thông tin cập nhật của ngành thang máy Việt Nam và Quốc tế thông qua website vnea.com.vn giúp cho mọi người nhanh chóng tìm thấy những thông tin hữu ích về lĩnh vực thang máy mà mình đang quan tâm, trong đó có chủ đề về từ điển thang máy ở trên.

Nhận thấy lĩnh vực thang máy của Việt Nam còn gặp nhiều hạn chế do chưa có một bộ từ điển chuyên ngành để chuẩn hóa thuật ngữ kỹ thuật thang máy, Viện Kỹ thuật ứng dụng thang máy (VILEA) - trực thuộc Hiệp hội thang máy Việt Nam đã từng bước nghiên cứu và biên soạn bộ "Từ điển ngành thang máy" bằng Tiếng Việt đầy đủ và chi tiết, mang tính chuyên môn cao về thang máy. Chúng tôi tin tưởng rằng "Từ điển ngành thang máy" sẽ là một tài liệu thiết thực góp phần nâng cao hiệu suất công việc, và thúc đẩy sự phát triển của ngành thang máy Việt Nam. 


Chủ đề của bài viết:  từ điển thang máy | từ điển thang máy tiếng Việttừ điển ngành thang máy | từ điển trong lĩnh vực thang máy | thuật ngữ thang máy


Các tin khác

2024 - Năm “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”

2024 - Năm “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”

Sáng ngày 15/7/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Thang máy Việt Nam phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức chương trình phát động Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới 2024 với chủ đề “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”.
Chứng chỉ đào tạo kỹ thuật thang máy: lắp đặt, bảo trì, vận hành, sửa chữa

Chứng chỉ đào tạo kỹ thuật thang máy: lắp đặt, bảo trì, vận hành, sửa chữa

Tìm hiểu về chứng chỉ đào tạo kỹ thuật thang máy: loại hình đào tạo, lợi ích và cách thức học tập để lấy chứng chỉ đào tạo kỹ thuật thang máy
Năng suất lao động Việt Nam thấp do đâu?

Năng suất lao động Việt Nam thấp do đâu?

Năng suất lao động của Việt Nam thấp, có khoảng cách lớn so với các nước trong khu vực. Nhiều năm qua, dù tăng trưởng nhưng tốc độ tăng vẫn chậm và cách xa so với mục tiêu đặt ra.
Lần đầu tiên Việt Nam có mặt tại triển lãm thang máy quốc tế Hàn Quốc

Lần đầu tiên Việt Nam có mặt tại triển lãm thang máy quốc tế Hàn Quốc

TCTM – Là triển lãm hàng đầu về thang máy tại Hàn Quốc, ILEK 2023 hứa hẹn là cơ hội vàng dành cho các doanh nghiệp thang máy, thang cuốn và phụ trợ giao lưu, kết nối. Với tư cách đại diện ngành thang máy Việt Nam, trong lần tổ chức năm 2023, Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng sẽ góp mặt tham gia triển lãm này.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp thang máy và công nghiệp phụ trợ

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp thang máy và công nghiệp phụ trợ

Không chỉ là nơi hội tụ những tinh hoa trong ngành thang máy, công nghiệp phụ trợ trong nước, Vietnam Elevator Expo 2023 còn là nơi giao thương, kết nối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Hà Lan, Tây Ban Nha,… mở ra cơ hội để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, kết nối với khách hàng.
Đấu thầu thang máy – Những ‘mánh khóe’ lách luật hay ngang nhiên thách thức?

Đấu thầu thang máy – Những ‘mánh khóe’ lách luật hay ngang nhiên thách thức?

TCTM – Dù tổ chức đấu thầu công khai, nhưng với chiêu thức “cài cắm” tinh vi trong hồ sơ mời thầu, con đường tìm kiếm gói thầu của không ít nhà thầu trở nên khó khăn hơn với muôn vàn “chốt chặn”.

Giới thiệu doanh nghiệp

Sự kiện nổi bật