Thời gian qua, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã nhận được nhiều câu hỏi của nhiều tổ chức doanh nghiệp trong và ngoài nước và cá nhân về thủ tục để trở thành thành viên của VNEA. Với vai trò là cơ quan ngôn luận của VNEA, Tạp chí Thang máy cung cấp tới độc giả những nội dung cơ bản nhất xoay quanh vấn đề này.
Vai trò và nhiệm vụ của Hiệp hội Thang máy Việt Nam
Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy. Những con số này sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.
Khi đó, thách thức đặt ra là ai sẽ thực hiện mục tiêu đảm bảo sự công bằng, hài hoà lợi ích giữa Doanh nghiệp và Người tiêu dùng? Ai sẽ là cầu nối giữa cơ quan quản lý và các doanh nghiệp trong ngành? Lời giải chính là các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề, trong đó có Hiệp hội Thang máy Việt Nam.
Ngày 8/9/2020, Đại hội lần thứ I và Lễ ra mắt Hiệp hội Thang máy Việt Nam (Gọi tắt là Hiệp hội hoặc VNEA) đã được tổ chức tại Hà Nội. VNEA được thành lập theo Quyết định 594/QĐ-BNV ngày 20/8/2020 của Bộ Nội vụ.
VNEA là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn hoặc có liên quan đến thang máy, thang cuốn theo quy định của pháp luật, tự nguyện thành lập, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội, hội viên, cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
VNEA ra mắt ngày 08/9/2020
Với vai trò và trách nhiệm cao cả như vậy, tư tưởng chủ đạo khi lựa chọn hội viên của Hiệp hội là tập hợp những doanh nghiệp, cá nhân ưu tú, xác quyết làm ăn minh bạch, đảm bảo uy tín, phát triển bền vững và lâu dài. Từ tư tưởng chủ đạo này, Ban chấp hành Hiệp hội đã sớm ban hành bộ tiêu chí và điều kiện xét tuyển, kết nạp hội viên. Bộ tiêu chí này nằm trong Quy chế Hội viên Hiệp hội Thang máy Việt Nam (Quy chế), đã được Ban Chấp hành Hiệp hội nhất trí thông qua theo Quyết định số 02/QĐ-VNEA ngày 11/1/2021. Bộ tiêu chí như “lưới lọc” để đảm bảo tuyển được các hội viên của Hiệp hội có tâm, có tầm, hoạt động minh bạch, hiệu quả, vì sự phát triển bền vững, lâu dài, vì quyền lợi các doanh nghiệp của ngành thang máy và người tiêu dùng…
Theo quy định “Các hình thức và tiêu chuẩn Hội viên” tại Điều 2 của Quy chế thì hội viên của VNEA gồm Hội viên chính thức, Hội viên liên kết và Hội viên danh dự.
*Hội viên chính thức bao gồm hội viên tổ chức và hội viên cá nhân. Trong đó, hội viên tổ chức là các tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn hoặc liên quan đến đến thang máy, thang cuốn theo quy định của pháp luật (trừ các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn được quy định tại khoản 2 Điều này).
Tập đoàn thang máy Hàn Quốc GS E&C đề xuất mong muốn trở thành hội viên VNEA từ tháng 2/2022
*Hội viên cá nhân là công dân Việt Nam từ 18 (mười tám) tuổi trở lên có đủ năng lực hành vi dân sự, hoạt động trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn hoặc lĩnh vực có liên quan đến thang máy, thang cuốn.
*Hội viên liên kết, đó là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc có 100% vốn đầu tư nước ngoài (sau đây gọi chung là doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài) hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn hoặc liên quan đến thang máy, thang cuốn theo quy định của pháp luật; có đóng góp cho sự phát triển của Hiệp hội; tán thành điều lệ Hiệp hội; thì được Hiệp hội xem xét, công nhận là hội viên liên kết của Hiệp hội.
*Hội viên danh dự, đó là các tổ chức, công dân Việt Nam không có điều kiện hoặc không đủ tiêu chuẩn trở thành Hội viên chính thức của Hiệp hội nhưng có nhiều thành tích công lao đóng góp và tích cực tham gia các hoạt động của Hiệp hội thì được Hiệp hội xem xét, công nhận là Hội viên danh dự của Hiệp hội.
Điều kiện được kết nạp hội viên, Điều 3 của Quy chế có nêu, hội viên được kết nạp phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
1. Đối với hội viên là tổ chức, cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 2 Quy chế này và quy định tại Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp do Hiệp hội ban hành. Ứng viên hoạt động hợp pháp, có uy tín tại Việt Nam trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn hoặc có liên quan đến thang máy, thang cuốn; Hoạt động ổn định và hiệu quả trong 2 năm tài chính liên tiếp gần nhất tại thời điểm nộp hồ sơ kết nạp; Được ít nhất hai Uỷ viên Ban chấp hành giới thiệu; Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách và pháp luật của Nhà nước; Đáp ứng đầy đủ hồ sơ đăng ký theo quy định tại khoản 1, Điều 4 Quy chế,...
2. Đối với hội viên là cá nhân, ứng viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại điểm b, khoản , Điều 2 Quy chế và quy định tại Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp do Hiệp hội ban hành; Có kinh nghiệm tối thiểu 02 năm hoạt động trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn hoặc có liên quan đến thang máy, thang cuốn; Được ít nhất hai Uỷ viên Ban chấp hành giới thiệu; Có bằng cấp và giấy phép, chứng chỉ hoạt động đối với các trường hợp yêu cầu giấy phép; Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách và pháp luật của Nhà nước. Trong thời gian công tác 05 năm gần nhất không vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự,...
Hội viên cá nhân được Hiệp hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật; được Hiệp hội cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội, được tham gia các hoạt động do Hiệp hội tổ chức; được tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương công tác của Hiệp hội; được kiến nghị, đề xuất ý kiến với cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội; được dự Đại hội, ứng cử, đề cử, bầu cử các cơ quan, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hiệp hội theo quy định của Hiệp hội,...
Hội viên cũng được ra khỏi Hiệp hội khi xét thấy không thể tiếp tục là hội viên; Được xem xét giảm hoặc miễn phí đào tạo, phí tham dự trong các khóa đào tạo và Hội thảo do Hiệp hội tổ chức.
Hội viên tổ chức có quyền được hưởng mọi quyền lợi như Hội viên cá nhân; được đề xuất Hiệp hội bảo lãnh trong lĩnh vực hoạt động (trên cơ sở thu phí bảo lãnh); Được đề cử tham gia các chương trình phát triển thương hiệu, chương trình nghiên cứu và tư vấn do Hiệp hội tổ chức; được xem xét giới thiệu hợp tác với các đối tác uy tín trong và ngoài nước,...
Hội viên liên kết, hội viên danh dự được hưởng các quyền lợi như hội viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hiệp hội và quyền ứng cử, đề cử, bầu cử Ban Lãnh đạo, Ban Kiểm tra Hiệp hội.
Về nghĩa vụ của hội viên, Điều 11 của Quy chế cũng quy định, hội viên nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành Điều lệ, quy định của Hiệp hội. Tham gia các hoạt động và sinh hoạt của Hiệp hội; đoàn kết, hợp tác với các Hội viên khác để xây dựng Hiệp hội phát triển vững mạnh.../.