Tiếp nối chuỗi hoạt động xung quanh Triển lãm Vietnam Elevator Expo 2023, ngay trong buổi chiều ngày 7/12 đã diễn ra buổi Hội thảo Quốc tế: “Xu hướng phát triển bền vững ngành thang máy tương lai” do Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) Nguyễn Hải Đức chia sẻ để phát triển bền vững cần phải cân bằng lợi ích cả ba bên: Nhà nước, Cộng đồng người tiêu dùng và Cộng đồng doanh nghiệp.
Xác định mục tiêu này, VNEA không chỉ nỗ lực trong việc nâng cao hiểu biết, nhận thức của người tiêu dùng mà còn nỗ lực xây dựng, đề xuất các tiêu chuẩn, quy chuẩn để định hướng doanh nghiệp thang máy trong hệ sinh thái.
“Ý thức được vai trò của mình đối với môi trường, người tiêu dùng cũng như trách nhiệm với Nhà nước, VNEA đã tích cực tổ chức các buổi hội thảo, các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng quốc tế, từ đó tiến tới những hợp tác mang tầm chiến lược trong tương lai”, Chủ tịch Nguyễn Hải Đức chia sẻ.
Các nội dung tham luận xoay quanh những nghiên cứu mới nhất, cập nhật thông tin mới nhất về xu hướng phát triển thang máy xanh, bền vững và thân thiện với môi trường, giải quyết nhiều bài toán về an toàn vận hành trong thời đại mới.
Không chỉ quy tụ các khách mời là đại diện cơ quan quản lý nhà nước; các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp ngành thang máy và lĩnh vực liên quan, Hội thảo còn có sự tham gia, cố vấn từ các chuyên gia thang máy hàng đầu trong nước và quốc tế tới từ Hiệp hội Thang máy, Thang cuốn Châu Á – Thái Bình Dương, Liên đoàn Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Châu Âu, và Hiệp hội Thang máy Việt Nam.
Mở đầu hội thảo là bài tham luận của Ông Graham Worthington – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy, Thang cuốn Châu Á – Thái Bình Dương với nội dung chính xoay quanh tiềm năng phát triển và những thách thức lớn của ngành thang máy toàn cầu.
Phân tích về thị trường thang máy Việt Nam, ông Graham Worthington đánh giá cao về tiềm năng cũng như dư địa phát triển của ngành này tại Việt Nam. Dẫn số liệu từ Worldometer, Chủ tịch PALEA cho biết động lực thúc đẩy ngành thang máy Việt Nam đến từ tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh gần 40% tính đến năm 2023 và dự báo sẽ tăng lên 50% trong năm 2030.
Tuy nhiên, Chủ tịch PALEA cũng nhấn mạnh những thách thức mà Việt Nam cũng như toàn cầu phải đối mặt khi tốc độ phát triển của ngành thang máy đang trong giai đoạn bùng nổ mạnh mẽ, trong đó nổi bật là thách thức từ: Quản lý và chất lượng nguồn nhân lực; Quản lý, giám sát hệ thống thang máy hiện có; Phát triển công nghệ xanh, bền vững với môi trường.
“Để đảm bảo một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, chúng ta cần phải giảm thiểu tối đa những tác động tiêu cực tới môi trường ngay từ thời điểm hiện tại. Việc giảm thiểu phát thải, tiết kiệm năng lượng hay sử dụng vật liệu bền vững trong ngành thang máy cũng là một trong những vấn đề quan trọng trong xu hướng phát triển ngành thang máy hiện tại và tương lai”, ông Graham Worthington nhấn mạnh.
Bên cạnh phần tham luận của Chủ tịch PALEA, ông Massimo Bezzi – Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Thang máy Nhỏ và Vừa Châu Âu cũng trình bày, cập nhật những dự án phát triển thang máy bền vững tại khu vực châu Âu cũng như các xu hướng trên toàn cầu.
Ông Massimo Bezzi cho biết, hiệu quả năng lượng, đảm bảo nguyên tắc kinh tế tuần hoàn hay quyền được sửa chữa,… là những mục tiêu chính trong các dự án thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững tại khu vực châu u, cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới.
“Những cam kết, nỗ lực của các quốc gia trong thực hiện những mục tiêu này cũng có ý nghĩa tác động lớn tới tiến trình phát triển của ngành công nghiệp nói chung, bao gồm thang máy”, Chủ tịch EFESME cho hay.
Tiếp cận từ một vấn đề kỹ thuật cụ thể là phương thức truyền dữ liệu CAN (Controller Area Network), TS. Nguyễn Đức Hạnh – Viện trưởng Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy đã mang đễn một góc nhìn về xu hướng phát triển bền vững ngành thang máy nói riêng và ngành công nghiệp toàn cầu nói chung.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Đức Hạnh, từ phương thức truyền dữ liệu chuyên được sử dụng trong ngành công nghiệp ô tô, phương thức CAN đã nhanh chóng được ứng dụng vào những ngành công nghiệp khác, trong đó có thang máy. Dựa trên phương thức truyền dữ liệu CAN, nhiều xu hướng phát triển giao thức truyền thông khác nhau đã được ra đời, trong đó có CANopen.
“CANopen là một giao thức truyền dữ liệu mở – đại diện cho sự tiêu chuẩn hóa mà các doanh nghiệp đều có thể tiếp cận. Song, các công nghệ ứng dụng do các doanh nghiệp tự đầu tư nghiên cứu lại mang đến tiềm năng phát triển, sáng tạo ra những sản phẩm siêu việt, những phát minh mới và tiên phong”, TS. Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ.
Đặc biệt trong khuôn khổ Hội thảo, đã diễn ra Lễ Ký kết Hợp tác giữa Hiệp hội Thang máy Việt Nam với Trường Cao đẳng Thang máy Hàn Quốc (KLC) và Lễ ký kết Hợp tác giữa Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy với Công ty An toàn Thang máy Hàn Quốc.
Theo nội dung biên bản ký kết hợp tác, Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng như Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy sẽ hợp tác với Trường Cao đẳng Thang máy Hàn Quốc và Công ty An Toàn Thang máy Hàn Quốc KESF trong các lĩnh vực: Hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thang máy; Thành lập trung tâm đào tạo ngành thang máy tại Việt Nam; Tham gia chung vào công tác phát triển ngành thang máy như nghiên cứu và phát triển công nghệ,…