Vai trò của Nhóm tư vấn trong nước (DAG) thúc đẩy thực thi các cam kết về lao động trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA) là tọa đàm quan trọng diễn ra trong hai ngày 25, 26/8 tại Hạ Long, Quảng Ninh. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Huy Tiến, đại diện cho tổ chức thành viên thứ 7 của DAG Việt Nam tham dự.
DAG là thiết chế do Chính phủ thành lập, bao gồm tối đa 15 thành viên là các hiệp hội, tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận của Việt Nam, đại diện cho các lợi ích chính đáng tại Việt Nam liên quan đến thương mại và phát triển bền vững. DAG có chức năng tập hợp, trình bày quan điểm, đưa ra các khuyến nghị, tư vấn và góp ý đối với việc thực thi Chương Thương mại và Phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA).
Vai trò của DAG trong Hiệp định EVFTA là chủ đề chính của Tọa đàm
Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) là thành viên thứ 7 của DAG Việt Nam theo Quyết định số 415 của Bộ Công thương ngày 23/3/2022 (Hiệp hội Thang máy Việt Nam trở thành thành viên Nhóm tư vấn trong nước (DAG) Việt Nam trong EVFTA - Tạp Chí Thang Máy (tapchithangmay.vn)). VNEA thuộc phân nhóm kinh tế, đại diện cho quyền lợi của người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp.
EVFTA được ký kết tại Hà Nội ngày 30/6/2019. Hiệp định được Quốc hội Việt Nam phê duyệt ngày 08/6/2020 và có hiệu lực kể từ 01/8/2020.
DAG Việt Nam sẽ tập trung thảo luận nội dung cam kết về lao động nằm trong Chương 13 của EVFTA (Thương mại & Phát triển bền vững)(*).
Nội dung cốt lõi của cam kết lao động trong EVFTA (Điều 13.4) là việc thực hiện bốn tiêu chuẩn lao động cơ bản được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO):
- Tự do liên kết và thương lượng tập thể.
- Chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc.
- Loại bỏ một cách có hiệu quả lao động trẻ em.
- Chấm dứt phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.
Hội nghị toàn thể của ILO năm 2022 đã bổ sung thêm tiêu chuẩn về an toàn lao động cũng được coi là tiêu chuẩn cơ bản (liên quan Công ước 155, 187 – Việt Nam đã phê chuẩn cả 2 công ước này).
Việt Nam đã nghiêm túc và tích cực thực thi các chính sách liên quan đến các cam kết lao động theo ILO. Ngày 27/5/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Chúng ta cũng đã ban hành nhiều chính sách và hướng dẫn về phòng chống lao động cưỡng bức; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; các chính sách hỗ trợ người lao động trong đại dịch Covid-19,...
Doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham gia vào các sáng kiến về Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) thông qua việc thực hiện các bộ quy tắc ứng xử (Code of Conduct); tham gia chương trình thúc đẩy việc tuân thủ các quy định về lao động, ví dụ Chương trình Việc làm tốt hơn (Better Work).
Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam đóng góp ý kiến tại Tọa đàm
Tổng Thư ký VNEA Nguyễn Huy Tiến cho rằng, các doanh nghiệp, các hiệp hội cần tiếp tục thực hiện tốt luật pháp về lao động; tìm hiểu các quy định cụ thể của đổi tác, quốc gia nhập khẩu có liên quan tới lao động để điều chỉnh kịp thời và thích hợp.
Đối với ngành thang máy, là ngành sử dụng rất nhiều lao động, có định hướng sản xuất xuất khẩu sản phẩm thang máy và các thiết bị phụ trợ. Khi đó, việc VNEA tham gia DAG sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp ngành thang máy tham gia vào một diễn đàn kinh tế quốc tế, từ đó học hỏi được những những kinh nghiệm hữu ích liên quan đến chính sách của các thị trường khó tính, từ đó giúp các doanh nghiệp trong ngành phát triển bền vững./.
Đại biểu tham dự Tọa đàm chụp ảnh lưu niệm
Chú thích (*):
Điều 13.15.4 Hiệp định EVFTA (Chương 13 – Thương mại & Phát triển bền vững): “Mỗi bên phải thành lập một hoặc các nhóm tư vấn trong nước mới hoặc tham vấn ý kiến của của nhóm tư vấn trong nước hiện có về phát triển bền vững với nhiệm vụ tư vấn về việc thực hiện Chương này. Mỗi bên phải quyết định về thủ tục trong nước để thành lập nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước và bổ nhiệm các thành viên cho các nhóm tư vấn này. Nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước này bao gồm các tổ chức đại diện độc lập, bảo đảm sự đại diện cân bằng giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường, bao gồm tổ chức người lao động và người sử dụng lao động, doanh nghiệp và các tổ chức môi trường. Mỗi nhóm tư vấn trong nước có thể, theo sáng kiến riêng của mình, đệ trình quan điểm hoặc kiến nghị với Bên đó về việc thực hiện Chương này”.
Điều 13.15.5 Hiệp định EVFTA (Chương 13 – Thương mại & Phát triển bền vững): “Các thành viên của nhóm hoặc các nhóm tư vấn trong nước của mỗi Bên sẽ gặp nhau tại một diễn đàn chung để tiến hành đối thoại về các khía cạnh phát triển bền vững trong mối quan hệ thương mại giữa hai Bên”.