Chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội thay đổi thực trạng và những nhức nhối về an toàn thang máy chung cư nếu tiếp tục bàng quan trước những nguyên nhân.
Tủ điều khiển bung bét trống trơn, cabin bị mất nóc, hệ thống Intercom và chuông cứu hộ không hoạt động,… những hình ảnh xuống cấp trầm trọng của thang máy nhà G, khu tái định cư Đền Lừ mà Tạp chí Thang máy đề cập đến trong bài viết “Kỳ 1: Thấp thỏm một lối đi về” chỉ là một phần rất nhỏ của thực trạng thang máy chung cư được phơi bày.
Từ những hệ thống thang máy đồ sộ được lắp mới, không ít chiếc bây giờ đã “đắp chiếu” tại các khu chung cư trên khắp địa bàn Hà Nội, đã đặt ra câu hỏi về chất lượng thiết bị, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.
Vấn đề này hoàn toàn có căn cứ và khả năng xảy ra bởi cho tới nay đang còn nhiều hạn chế trong áp dụng quy chuẩn từ: thiết kế, sản xuất, lắp đặt, bảo trì, sửa chữa, nâng cấp,… thang máy. Theo số liệu Cục An toàn lao động, những năm gần đây, mỗi năm có trên 35.000 thang máy được đưa vào sử dụng và trên 1,7 triệu thiết bị thang máy phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước được nhập khẩu vào Việt Nam. Một con số không hề nhỏ.
Theo Điều 3.1.2 và 3.1.4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn lao động đối với thang máy (ký hiệu QCVN 02:2019/BLĐTBXH) ban hành kèm theo Thông tư số 42/2019/TT-BLĐTB&XH của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, thang máy trước khi đưa ra thị trường phải được chứng nhận phù hợp với quy chuẩn bởi tổ chức chứng nhận được Bộ LĐTB&XH chỉ định hoặc thừa nhận, phải công bố hợp quy theo quy định và chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hoá. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thử nghiệm sản phẩm để có đánh giá tổng thể rất khó thực hiện do nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân là thiếu các thiết bị chuyên dụng, thiếu nhân lực.
Vậy nếu chất lượng xuất xứ được đảm bảo khi lắp mới, thang máy nhanh lỗi hỏng do đâu? Thực tế đã chứng minh, ngoài 60% yếu tố thiết bị quyết định độ bền sản phẩm, 40% còn lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như: lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng, ý thức người sử dụng,…
“Một chiếc thang máy dù xịn đến đâu, nếu lắp đặt không đúng quy định thiết kế, sẽ không thể vận hành trơn tru và chắc chắn không đảm bảo an toàn.” - Anh Nguyễn Đức Tiến, chuyên gia kỹ thuật của Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Hiệp hội Thang máy Việt Nam nhận định.
Trong quá trình PV tác nghiệp, thu thập và kiểm chứng thông tin, hệ thống thang máy tại khu tái định cư Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội vốn là những chiếc thang máy chính hãng. Phải tận mắt chứng kiến thực trạng sau 17 năm sử dụng, mới thấy được sức tàn phá khủng khiếp. Và có biết bao nhiêu chiếc thang máy chung cư chịu chung số phận vẫn chưa được phơi bày.
Hộp tủ điện trống trơn trong chiếc thang máy đã hỏng nhiều năm nay đặt ra câu hỏi rằng những linh kiện trong đó đã “đi đâu” sau những lần bảo trì, bảo dưỡng?
Để lắp đặt một hệ thống thang máy vận hành đảm bảo an toàn, cần có sự hiểu biết, chuyên nghiệp và tuân thủ an toàn kỹ thuật. Sau đó, thang máy cần được bảo trì, bảo dưỡng bài bản theo quy định. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường thang máy có không ít đơn vị lắp đặt, bảo trì bảo dưỡng hoạt động theo mô hình nhỏ lẻ, manh mún. Thiết bị được lắp ráp thiếu sự đồng bộ, chắp vá, không đạt tiêu chuẩn. Trong quá trình vận hành, sửa chữa bảo trì: nguy cơ đánh tráo thay thế, khiến thiết bị từ không thành hỏng do chủ đích hoặc trình độ non kém không phải là điều hiếm xảy ra.
Qua đó, một trong những vấn đề đáng được quan tâm chính là năng lực nhân sự lao động ngành thang máy. Kỹ thuật thang máy hiện chưa có mã nghề, đồng nghĩa cũng chưa có một chương trình đào tạo chuyên môn dành riêng ngành thang máy mà chủ yếu nguồn nhân lực từ những ngành kỹ thuật khác chuyển sang.
Những tiêu chuẩn khắt khe sẽ tạo ra một bộ lọc đánh giá và chọn lựa nguồn lao động đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp ngành thang máy. Đã đến lúc một ngành liên quan trực tiếp đến tính mạng con người như thang máy cần xây dựng bộ chứng chỉ nghiệp vụ hành nghề, bên cạnh các ngành: khám chữa bệnh, thi công xây dựng, thú y,…
Vụ việc cô gái trẻ không may bị rơi vào giếng thang từ tầng 7 (Kim Mã, Hà Nội, tháng 10 năm 2021), thang máy bất ngờ rơi tự do từ tầng 5 xuống khiến nhiều người hoảng loạn và bị thương (chung cư B10A Nam Trung Yên, tháng 11 năm 2020), người đàn ông không qua khỏi khi rơi từ thang máy (Yên Hoà, Hà Nội, năm 2011),… gióng lên hồi chuông thực sự báo động về an toàn thang máy, đặc biệt công tác cứu hộ thang máy.
Ngoài những doanh nghiệp sử dụng lao động trực tiếp tham gia lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng thang máy, Đơn vị vận hành nhà chung cư (Ban Quản lý toà nhà) cần đặc biệt lưu ý với những điều kiện nghiêm ngặt, được huấn luyện về kỹ thuật vận hành, cứu hộ, an toàn thang máy. Theo Điều 3.4.4 Thông tư số 42/2019/TT-BLĐTBXH: Tổ chức, cá nhân quản lý thang máy được lắp đặt tại các căn hộ chung cư phải phân công tối thiểu 01 người chịu trách nhiệm vận hành thang máy, người này phải được huấn luyện về an toàn thang máy và các phương án xử lý tình huống sự cố liên quan đến thang máy. Tuy nhiên, thực tế không ít Ban Quản lý khu chung cư vẫn chưa đáp ứng được quy chuẩn này. Đơn cử, Ban Quản lý toà nhà Khu tái định cư Đền Lừ từ năm 2008 đến nay chưa được huấn luyện về vận hành, an toàn thang máy.
Đã đến lúc cần có một chế tài nghiêm ngặt hơn nữa, để đảm bảo quy định được đi vào thực tiễn, có nên chăng những đối tượng lao động liên quan đến an toàn thang máy cần có chứng chỉ đào tạo thay vì chỉ dừng lại ở các khoá học.
Việc sử dụng thang máy như thế nào cũng là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo độ bền và tính năng an toàn của thiết bị.
Người ở chung cư hẳn không còn lạ với hình ảnh những người phụ nữ lạm dụng thang máy để dỗ trẻ con ăn uống, chơi đùa. Việc sử dụng thang máy đi lên đi xuống liên tục, bấm chọn tất cả các tầng,… rồi chơi đùa va đập vào cửa, vào vách buồng thang đều khiến thang nhanh hỏng hơn. Trẻ em đã vậy, ngay cả người lớn cũng có những hành vi đáng xấu hổ. Việc tìm kiếm từ khoá “tiểu tiện trong thang máy” trên Internet trả về những kết quả mà người đọc không biết nên cười hay nên nhíu mày thắc mắc về trình độ văn hoá, văn minh của người đô thị! Rồi người vứt rác, lau sàn làm nước chảy xuống giếng thang,… Tất cả những việc tưởng chừng như hãn hữu đó lại trở thành chuyện hiển hiện phổ biến với thang máy tại các khu chung cư, toà nhà.
Vết hoen rỉ trên sàn cabin thang máy do thấm các chất lỏng có hại, Khu tái định cư Đền Lừ, Hoàng Mai, Hà Nội
Ngoài ra, hiểu biết của đại đa số người dùng về thang máy vẫn chưa đủ cho những tình huống cấp bách. “Hướng dẫn sử dụng thang máy” hầu hết là người biết chỉ cho người chưa biết, còn những tính năng đặc biệt như nút Intercom, chuông cứu hộ, Emcall,… thì chưa nhiều người biết. Khi sự cố xảy ra, nhiều người không đủ kiến thức để sử dụng các tính năng được trang bị trong buồng thang, thay vào đó lại là cố cạy cửa cabin, đập liên tục vào cửa, vách,… Thế mới thấy, việc hướng dẫn sử dụng cho người dân cũng là một vấn đề cần lưu ý.
Công tác kiểm định thang máy cũng là vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận. Theo thống kê, mỗi năm có 40.000 thang máy được kiểm định, hơn 130 tổ chức được cấp phép hoạt động kiểm định với con số kiểm định viên xấp xỉ 1000 người. Trên thực tế, tiêu chí và thời gian kiểm định lại khá mờ nhạt.
Chính sách xã hội hoá trong công tác kiểm định tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn thang máy, tăng sức cạnh tranh và thuận lợi cho xã hội. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng hoạt động của các đơn vị đó lại là vấn đề khác.
Đối với các thang máy mới được lắp đặt, bắt buộc phải được kiểm định và dán tem kiểm định đảm bảo an toàn trước khi đưa vào sử dụng. Nhưng với thang máy đã vận hành, việc có kiểm định lại phụ thuộc nhiều vào ý thức chủ quan của đơn vị quản lý. Nếu như công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), cảnh sát PCCC sẽ đến nghiệm thu xem thiết bị có đủ tiêu chuẩn hay không, định kỳ sẽ kiểm tra lại thì thang máy lại không có công tác hậu kiểm định, không ít công trình đã sử dụng cả chục năm nhưng không được kiểm định lại.
Tại Khu tái định cư Đền Lừ, hệ thống thang máy được kiểm định gần nhất vào tháng 3/2021. Tính đến ngày 12/11/2021, 20 thang không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn vận hành. Khi người già, cựu chiến binh, phụ nữ mang thai vẫn phải khổ sở di chuyển trên những ‘cỗ máy không phanh”, bao giờ vòng quay an toàn thang máy chung cư mới hết lỗi nhịp?
Liệu phía sau thực trạng mất an toàn thang máy chung cư này còn có nguyên nhân nào nữa? Tạp chí Thang máy sẽ thông tin tới bạn đọc ở kỳ tiếp theo.
Theo dõi toàn bộ chuyên đề tại:
An toàn thang máy chung cư: Người dân không còn đơn độc!