Người dân phải cúi gù mình đi phía dưới bể nước tòa nhà để sang đơn nguyên bên cạnh đi nhờ thang máy mỗi khi thang máy hỏng. Chỉ có 4 trên tổng số 26 thang máy tại một khu chung cư đạt kiểm định an toàn kỹ thuật, dù vậy, thang máy vẫn hoạt động mỗi ngày. Puly, cáp tải mòn quá giới hạn cho phép, bề mặt cáp xuất hiện gỉ đỏ, kết quả kiểm định sờ sờ nhưng người dân không có bất kì lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận và chờ đợi.
Tháng 3/2018, người người rùng mình khi nhìn hình ảnh những người già, trẻ nhỏ, thậm chí cả bà bầu, thương binh cũng phải rón rén đi trên mái nhà sang đơn nguyên khác đi nhờ thang máy tại nhà G9 khu tái định cư Xuân La (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Lý do là khu nhà có 3 đơn nguyên thì có đến 2 đơn nguyên hỏng thang máy. Vậy mà cho đến nay, cuối năm 2021, tình trạng ấy lại lặp lại tại nhà G, khu tái định cư Đền Lừ khi người dân phải cúi gù mình đi phía dưới bể nước tòa nhà để sang đơn nguyên bên cạnh đi nhờ thang máy mỗi khi thang máy hỏng. Gần 500 người dân nhà G thuộc khu tái định cư Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn sống chung với sự bức xúc và sợ hãi khi 2 trong 4 chiếc thang máy tại đây hỏng hoàn toàn, 2 chiếc còn lại hoạt động chập chờn và thường xuyên bị sự cố. Và khu nhà này cũng chỉ là hình ảnh thu nhỏ của sự xuống cấp tại các khu tái định cư của toàn Hà Nội mà thang máy vốn là phương tiện chính của người dân.
Người dân phải leo lên tầng thượng rồi chui qua bể nước của tòa nhà, sang đơn nguyên đối diện, chỉ để đi nhờ thang máy tại nhà G khu tái định cư Đền Lừ
Hai chiếc thang máy đang còn hoạt động của nhà G cũng gặp sự cố thường xuyên như chạy quá tầng, tiếng ồn quá cao, bị treo không mở được cửa khiến người đi bị nhốt trong cabin,… đó là phàn nàn của người dân nhà G. “Bị giam lỏng trong thang máy là chuyện hết sức bình thường với người dân tòa nhà G. Không những thế, trời mưa to thì nước tràn ngập sàn thang máy và không ai dám đi thang máy vì sợ bị điện giật. Đã có lần thang bị đứt cáp khiến nhiều người lo sợ”, ông Chu Văn Huấn – thương binh hạng nặng ¼ hiện đang sống tại tầng 11 của tòa nhà chia sẻ.
Trong đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan chức năng, bà Đỗ Thị Minh, tổ trưởng tổ dân phố số 29 đã nêu các vấn đề liên quan tới thang máy mà người dân tại nhà G chịu đựng từ nhiều năm nay. Thứ nhất, tại nhà G có rất nhiều đối tượng chính sách như thương binh, cựu thanh niên xung phong, cán bộ nghỉ hưu, người già yếu,… nhưng lại thiếu thang máy. Bà Minh cho rằng, số lượng thang máy cho từng tòa nhà đã được nhà nước quy định rõ trong các văn bản luật về nhà chung cư nhưng từ nhiều năm nay, hai chiếc thang máy bị hỏng hoàn toàn, hàng trăm hộ dân của nhà G phải chen chúc đi lại trong 2 chiếc thang máy. Thứ hai, hai chiếc thang máy còn lại đã được bảo trì nhưng vẫn thường xuyên xảy ra sự cố, đặc biệt là kì kiểm định tháng 3/2021 cho kết quả cả 2 thang này đều không đạt an toàn kỹ thuật nhưng vẫn tiếp tục vận hành, đây là mối nguy hiểm tiềm ẩn trong mỗi lần sử dụng thang máy.
“Thư kêu cứu” của người dân gửi các cơ quan chức năng nêu những lo lắng về hiện trạng của thang máy tại nhà G khu tái định cư Đền Lừ
Chỉ 4 trên tổng số 26 thang máy tại Khu tái định cư Đền Lừ đạt an toàn kỹ thuật tại kỳ kiểm định tháng 3/2021. Còn lại là những thang đã hỏng hoàn toàn nên không kiểm định hoặc không đạt kiểm định, thế nhưng vẫn vận hành. Người dân tại đây đang sử dụng những thiết bị đi lại không đảm bảo an toàn mỗi ngày như những “cỗ xe không phanh”. Không chỉ tại đây, nhiều khu chung cư khác trong địa bàn Thành phố Hà Nội và toàn quốc cũng có hiện trạng tương tự, Tạp chí Thang máy sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin về tình trạng này.
Báo cáo thang máy không đáp ứng điều kiện kỹ thuật an toàn từ Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật an toàn khu vực 2, kết quả kiểm định tháng 3/2021 chỉ có 4 thang trên tổng số 26 thang tại khu tái định cư Đền Lừ đạt kiểm định, các lý do không đạt kiểm định cho thấy nguy cơ xảy ra sự cố với các thang máy này là rất lớn
Thang máy đã xuống cấp, hư hại nhiều, hệ thống Intercom và chuông cứu hộ không hoạt động
Tủ điều khiển trống trơn của chiếc thang máy đã hỏng nhiều năm nay
Nóc thang máy bị mất cả hai nắp che thiết bị điện khiến nhiều người lo sợ bị điện giật
Vấn đề an toàn thang máy không chỉ xảy ra ở khu tái định cư, ngay cả những khu chung cư được xây để bán cho người dân, việc quản lý tài sản chung trong đó có thang máy sẽ càng khó khăn hơn bởi thiếu một đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm. Liệu rằng bước sang thập kỉ thứ 3 của thế kỉ 21, khi tuổi thọ của những chiếc thang máy này đã đến “ngưỡng” thì chúng ta có bước vào một “thập kỉ kinh hoàng” nữa với những tin xấu, những hình ảnh đầy rủi ro, những nỗi bất an thường trực của người dân tại các khu chung cư?
Không chỉ chung cư tái định cư, ngay cả những chung cư cao cấp người dân cũng gặp rất nhiều vấn đề với thang máy. Trên đây là "Thư cầu cứu" của người dân gửi đến Tạp chí Thang máy hồi tháng 10/2021.
Khi thang máy gặp trục trặc, đơn vị quản lý khu chung cư này cũng đã lập hồ sơ báo cáo và kế hoạch bảo trì lên các sở ban ngành thành phố. Cụ thể là Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Xí nghiệp Quản lý Dịch vụ và Khai thác Khu đô thị. Phía doanh nghiệp quản lý này đã lập hồ sơ đề xuất lên Sở Xây dựng từ tháng 10 năm 2020, công ty này tổ chức mời các ban ngành liên quan đi khảo sát, kiểm tra hiện trạng nhưng đến nay vẫn trong quá trình chờ đợi được Sở Xây dựng phê duyệt để tiếp tục các thủ tục khác. Nhưng bảo trì, sửa chữa thì cần có kế hoạch, kế hoạch đề xuất từ năm nay được duyệt thì cũng cần chờ tới năm sau để được đưa vào thực hiện. Việc chờ đợi này quá bất cập với những nhu cầu cấp thiết và an toàn của người dân như thang máy.
Chờ kinh phí từ Thành phố cấp quá lâu, ban quản lý tòa nhà cũng thực hiện theo nguyện vọng của dân cư là trực tiếp mời đơn vị bảo trì, sửa chữa đến khảo sát và sửa chữa. Những trường hợp đó các chi phí sẽ chia cho các hộ dân trong tòa nhà. Tuy nhiên, đặc điểm dân cư tại các khu vực tái định cư hầu hết là người dân có thu nhập thấp, các đối tượng chính sách xã hội. Điều đó đồng nghĩa với quỹ bảo trì cơ sở vật chất thực tế không đáp ứng đủ so với nhu cầu bảo trì tại đây.
Hóa đơn thanh toán phí bảo trì thang máy do ban quản lý tòa nhà tự chi trả dựa trên đóng góp của người dân
Ngoài chung cư tái định cư, những khu chung cư khác cũng không nằm ngoài mối lo này. Theo Thông tư 42/2019/TT-BLĐTB&XH quy định rõ: Thang máy trong quá trình sử dụng phải được bảo trì định kỳ ít nhất 3 tháng một lần. Đối với các thang máy được lắp đặt tại các căn hộ chung cư, các tòa nhà văn phòng, tòa nhà trung tâm thương mại, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất, khu vực công cộng (như sân bay, nhà ga,...) thì thời hạn bảo trì định kỳ ít nhất 1 tháng một lần. Các đơn vị đầu tư đã thu phí bảo dưỡng ngay từ thời điểm bán nhà cho người mua nhà, nhưng vì nhiều lý do mà tại nhiều chung cư, khoản phí này không được bàn giao cho đúng mục đích này. Điều đó dẫn đến hiện trạng thang máy không được bảo dưỡng định kì, thậm chí là kiểm định và sửa chữa khi cần thiết. Tại những tòa chung cư này, thang máy cũng như những thiết bị, không gian chung khác trở thành tài sản chung của cư dân. Khi các trục trặc hay sự cố về thang máy xảy ra, không có cụ thể một đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm.
Có nghĩa rằng, không ai vô trách nhiệm. Nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm khi có những sự cố không an toàn xảy ra?
Những chiếc thang máy hỏng vẫn “đắp đống” chờ đợi, những chiếc thang máy không đạt kiểm định vẫn tiếp tục vận hành với ăm ắp nguy cơ, giống như ngồi trên chiếc máy bay biết rằng không đủ điều kiện an toàn hay những chiếc ô tô không phanh. Người dân dù nhìn thấy thang máy không có tem kiểm định, dù phải đi trên những mái nhà nguy hiểm rình rập hay chui dưới bể nước tòa nhà để tiếp tục bước vào một chiếc thang máy không an toàn, họ vẫn phải chấp nhận và chờ đợi.
Trong khi đó những vụ tai nạn thang máy thương tâm liên tiếp xảy ra như một báo động đỏ về tình trạng mất an toàn thang máy ở các tòa nhà cao tầng, đặc biệt tại các khu chung cư. Điển hình, ngày 29/11/2020, hai sự cố thang máy liên tiếp tại khu nhà tái định cư B10A Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) đã khiến 3 người bị thương. Trước đó cũng tại khu vực các tòa nhà HH Linh Đàm, một sự cố thang máy bị kẹt khiến 8 cư dân của toà nhà mắc kẹt trong thang máy. Ngày 21/9/2019, một người bảo vệ không biết vì lý do gì đã bước vào chiếc thang máy đang dừng hoạt động để bảo trì tại chung cư Lotus Sen Hồng (thị xã Dĩ An, Bình Dương) và rơi xuống hầm thang máy dẫn đến tử vong. Năm 2011, thang máy chung cư CT3 Constrexim (Cầu Giấy, Hà Nội) đột ngột dừng do mất điện, một người đàn ông bước ra ngoài và ngã từ độ cao 15m xuống đất tử vong,…
Tai nạn thang máy đã hiện hữu và đang tiềm ẩn dưới nhiều nguyên nhân: thiết bị; ý thức của người sử dụng; chất lượng từ lắp đặt, bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng; chất lượng của kiểm định; kĩ năng cứu hộ của cán bộ cứu hộ; năng lực của ban quản lý các tòa nhà,… Từ một phương tiện di chuyển cơ bản của đô thị thì nay “thang máy chung cư” dường như lại trở thành một nỗi bất an thường trực không thể né tránh của người dân.
An cư rồi mới lập nghiệp, nếu con ngõ nhỏ trong thi ca vẫn thường dìu dắt ta về một căn nhà ấm cúng thì đến khi nào lối đi về của người dân tại các khu đô thị mới thực sự là an toàn, thôi thấp thỏm? Để đi tìm câu trả lời, Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Tạp chí Thang máy sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng, các nhà quản lý để tìm kiếm giải pháp, đáp lại tiếng kêu cứu của người dân và mời quý độc giả cùng theo dõi trong các kỳ tiếp theo.
Theo dõi toàn bộ chuyên đề tại:
An toàn thang máy chung cư: Người dân không còn đơn độc!