Nhận định được tầm quan trọng của việc chuẩn hóa nhân lực, đặc biệt là lao động kỹ thuật ngành thang máy, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) đã có đề xuất xây dựng Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia nghề lắp đặt, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng thang máy làm cơ sở để phát triển kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động làm việc trong ngành thang máy. Điều này sẽ giúp việc chuẩn hóa người lao động, phát triển đào tạo nghề, đội ngũ lao động có chuyên môn, tăng tính chuyên nghiệp, giảm tai nạn lao động trong quá trình lắp đặt và sử dụng thang máy.
Thực tế, lực lượng lao động tại Việt Nam vào khoảng 51 triệu người nhưng có đến gần 74% chưa được công nhận kỹ năng và năng lực nghề nghiệp.
Cá biệt với ngành thang máy, dù đã có quy định tại điểm 3.5.2.2 QCVN 02:2019/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy, những người làm các công việc liên quan đến lắp đặt, bảo trì và sửa chữa thang máy phải am hiểu về nguyên lý cấu tạo của thang máy, được huấn luyện về an toàn lao động và nắm được các kỹ năng để thực hiện các công việc do mình thực hiện. Tuy nhiên, tiêu chuẩn kỹ năng nghề đối với những người làm việc liên quan đến thang máy nêu trên vẫn chưa được quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.
Do đó, Cục An toàn lao động đã có công văn phúc đáp VNEA, đồng ý với sự cần thiết phải xây dựng và ban hành bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia đối với lĩnh vực thang máy, do VNEA đề xuất.
Công văn phúc đáp của Cục An toàn lao động về đề xuất của Hiệp hội Thang máy Việt Nam
Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia ngành thang máy do VNEA xây dựng dự kiến sẽ tập trung vào phát triển các tầng năng lực từ cơ bản đến chuyên sâu theo cấu trúc 3 nhóm năng lực.
Hướng đến xây dựng Bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với các tiêu chí, nhu cầu đa bên (cơ quan quản lý – doanh nghiệp – người lao động – cơ sở đào tạo), VNEA cũng sẽ tổ chức Hội thảo “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành thang máy” sẽ diễn ra vào ngày 13/7/2022 tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp thang máy, doanh nghiệp quản lý sử dụng thang máy, các trường đào tạo nghề,…
Hội thảo hướng đến việc tổng hợp, tham mưu xây dựng các quy định, chính sách nhằm chuẩn hóa nguồn nhân lực cũng như tạo sự kết nối trong ngành thang máy, hướng đến xây dựng một hệ sinh thái phát triển bền vững./.