Với quy mô tăng trưởng trên 65%/năm tương ứng hàng vạn thang máy được lắp đặt mỗi năm, thị trường thang máy đang trở thành một thị trường tiềm năng tại Việt Nam. Theo Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBXH ngày 3/6/2021 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn và một số văn bản pháp quy khác thì thang máy thuộc nhóm 2, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm và các quy chuẩn quốc gia về an toàn lao động. Thế nhưng, ít người biết rằng nước ta chưa hề có trường lớp đào tạo đội ngũ thợ kỹ thuật, các chuyên gia thang máy một cách chính quy!
Trao đổi với Tạp chí Thang máy, ông Nguyễn Chí Trường - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, nhu cầu về thang máy trong xây dựng hiện rất lớn. Trước đây, khi chưa phát triển, nhà cao tầng chưa có nhiều, công trình có thang máy rất ít nên việc đào tạo nghề chỉ có những ngành kỹ thuật có liên quan tới thang máy như điện, cơ khí, máy nâng, động cơ, điện tử… phục vụ công nghiệp là chính. Nhưng giờ đây cùng với tốc độ phát triển đô thị, các thiết bị cao cấp như thang máy phục vụ tại các khu nhà cao tầng thương mại và dân dụng cần độ an toàn rất cao theo các tiêu chuẩn được quy định chặt chẽ nên ngày càng cần những công nhân kỹ thuật có chuyên môn, có nghiệp vụ, có tính chuyên nghiệp, được đào tạo chính quy đúng chuyên ngành và có những bằng cấp, chứng chỉ liên quan.
Ông Nguyễn Chí Trường
Nhu cầu là vậy nhưng hiện chưa có cơ sở đào tạo nào đào tạo nghề, giáo dục nghề nghiệp của nhà nước đào tạo nghề về thang máy. Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có hơn 100.000 kỹ sư tốt nghiệp các nhóm ngành khác nhau như xây dựng, cơ khí, điện, nông nghiệp, môi trường, luyện kim, hàng hải, tin học,... nhưng rất tiếc chưa có một ngành nào chuyên đào tạo các kỹ sư về kỹ thuật thang máy.
ThS Hoa Văn Ngũ - một trong những chuyên gia hàng đầu về thang máy, nguyên cán bộ giảng dạy Khoa Cơ khí, Trường Đại học Xây dựng nhận định, hiện nay chưa có một trường đại học nào đào tạo kỹ sư chuyên ngành thang máy cả. Có chăng chỉ là một chuyên ngành hẹp nằm trong chương trình đào tạo kỹ sư máy nâng chuyển. Vì vậy, các công ty thang máy, khi nhận các kỹ sư tốt nghiệp ở các trường đại học kỹ thuật về sẽ tự đào tạo, bổ túc thêm. Còn các trường dạy nghề gần đây mới mở lớp đào tạo công nhân lắp đặt thang máy. Theo xu thế chung, khi thang máy ngày càng nhiều thì phải đào tạo nhân lực để phục vụ công việc chế tạo, lắp đặt, bảo trì và sửa chữa là tất yếu. Các cơ sở đào tạo đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề này.
Theo thống kê gần đây, trong số 50 triệu lao động qua đào tạo, số lao động có bằng cấp chứng chỉ chính quy chỉ chiếm 26,1%. Thực tế có một số lượng lớn nhân lực không có bằng cấp, chứng chỉ nhưng họ vẫn làm việc và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Ngành thang máy cũng không nằm ngoài thực trạng đó.
Nhân viên đang bảo trì thang máy
Ông Nguyễn Chí Trường nhận định, trong khi chưa có những chương trình đào tạo, trường đào tạo chuyên ngành kỹ thuật thang máy thì các doanh nghiệp kinh doanh thang máy buộc phải mở các khóa đào tạo tự phát để cung cấp nhân lực cho chính họ. Việc tự đào tạo nhân lực của các doanh nghiệp theo nhu cầu riêng của họ là bình thường. Tuy nhiên, các cơ sở muốn thực hiện chức năng, nhiệm vụ đào tạo nghề cho người lao động thì phải theo Luật Giáo dục nghề nghiệp. Ở trình độ đại học thì theo Luật Giáo dục Đại học. Tất cả đều có quy định đầy đủ, cơ sở nào, tổ chức nào, cá nhân nào làm không đúng thì sẽ bị pháp luật xử lý. Như Luật Giáo dục quy định muốn đào tạo chương trình sơ cấp, trung cấp, cao đẳng thì phải đăng ký với cơ quan chức năng giấy phép hoạt động về giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, theo quy định thì nếu chỉ tổ chức đào tạo là không đủ điều kiện, mà phải qua đánh giá chứng chỉ nghề quốc gia, theo chuẩn kỹ năng nghề thì mới được cấp các chứng chỉ hoàn thành khóa học.
Vị đại diện của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chia sẻ, đã có các tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia để người lao động tự học theo tiêu chuẩn này, vấn đề là phương thức công nhận cho họ thôi. Đối với kỹ thuật thang máy, đây là công việc liên quan đến an toàn, sức khỏe người dùng nên càng cần đào tạo và có chương trình đặc thù. Theo Nghị định số 31/2015/NĐ-CP ngày 24/03/2015 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của luật việc làm về đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia thì người sử dụng lao động làm những công việc thuộc danh mục công việc ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn sức khỏe của cá nhân người lao động hoặc cộng đồng phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Tất cả các chuyên gia nhân lực khi được hỏi đều có cùng câu trả lời là nhu cầu về chuyên gia, thợ kỹ thuật thang máy rất cao. Thế nhưng việc đào tạo chuyên ngành thang máy hiện nay mạnh ai nấy làm, chưa có mã ngành, chưa có trường đào tạo chuyên ngành. Đây là bài toán khó cần có lời giải ngay đối với các cơ quan chức năng. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, để khắc phục tình trạng này có 3 giải pháp. Thứ nhất là đào tạo qua trường lớp có bằng cấp, qua các cơ sở đào tạo, qua hệ thống giáo dục quốc dân. Giải pháp tiếp theo là con đường học tập ngay tại nơi làm việc, đây là giải pháp rất quan trọng, vì người lao động được trau dồi nghề nghiệp thường xuyên tại nơi làm việc thì trình độ tay nghề sẽ tăng nhanh. Đó là giải pháp mà chúng ta đang cần và số lượng lao động này rất đông. Giải pháp thứ ba là những người đam mê nghề nghiệp hoàn toàn tự học, tự trang bị kiến thức kỹ năng cho mình qua Internet. Như vậy có rất nhiều cách để người lao động học tập nâng cao, chuẩn hóa tay nghề.
Kỹ thuật viên thang máy
Về vấn đề này, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho rằng, mở ngành đào tạo đúng nghề thang máy thì quá tốt nhưng ở thời điểm hiện tại nếu chưa đủ điều kiện mở ngành, có thể bổ sung thêm các nội dung đào tạo chuyên biệt về thang máy cho chương trình đào tạo các ngành liên quan như điện, cơ khí, xây dựng, điện tử, động cơ, kiến trúc, thiết kế công trình,... Nếu đào tạo nền tảng tốt, kỹ năng nghề tốt thì họ (người lao động) có thể bắt tay vào việc luôn tại doanh nghiệp chuyên doanh thang máy, nhanh và hiệu quả. Mà kỹ năng được hình thành từ quá trình làm việc, đào tạo qua làm việc thực tiễn. Càng thực hành nhiều thì ngày càng phát triển kỹ năng hơn. Ví như lái xe, càng lái nhiều thì kỹ năng xử lý chắc hẳn sẽ tốt hơn.
Hiệp hội Thang máy Việt Nam phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Cao Hà Nội đào tạo nhân lực thang máy
Đáng chú ý, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, đơn vị này phối hợp với Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổ chức cuộc thi kỹ năng nghề thang máy cho năm nay, khi rà soát lại thì cũng chưa có mã ngành, mã nghề đào tạo kỹ thuật thang máy. Và như vậy, việc tổ chức cuộc thi kỹ năng nghề thang máy sẽ hướng tới xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho nghề này. Từ đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học, các trung tâm đào tạo có cơ sở xây dựng chương trình đào tạo chuẩn, cấp chứng chỉ gắn với thị trường, gắn với nhu cầu kỹ năng nghề mà thị trường cần.