Giới thiệu Hiệp hội

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Hiệp hội Thang máy Việt Nam

Tên gọi, biểu tượng

1. Tên tiếng Việt: Hiệp hội Thang máy Việt Nam.

2. Tên tiếng Anh: Vietnam Elevator Association.

3. Tên viết tắt tiếng Anh: VNEA. 

4. Hiệp hội Thang máy Việt Nam có biểu tượng (logo) riêng được đăng ký bản quyền theo quy định của pháp luật. 

Tôn chỉ, mục đích 

Hiệp hội Thang máy Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội) là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn hoặc có liên quan đến thang máy, thang cuốn theo quy định của pháp luật, tự nguyện thành lập, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hiệp hội, hội viên, cũng giúp đỡ, hỗ trợ nhau hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Địa vị pháp lý, trụ sở 

1. Hiệp hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hiệp hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 

2. Trụ sở chính của Hiệp hội đặt tại thành phố Hà Nội, Hiệp hội có thể có Văn phòng đại diện ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của pháp luật. 

Lĩnh vực và phạm vi hoạt động

1. Hiệp hội hoạt động trong phạm vi cả nước. 

2. Hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực thang máy, thang cuốn hoặc có liên quan đến thang máy, thang cuốn theo quy định của pháp luật. 

3. Tổ chức và hoạt động của Hiệp hội chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật. 

Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

1. Tự nguyện, tự quản.

2. Dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch.

3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

4. Không vì mục đích lợi nhuận.

5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hiệp hội. 

Quyền hạn, nhiệm vụ

Nhiệm vụ 

1. Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hiệp hội. Tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hiệp hội đã được Bộ Nội vụ phê duyệt. Không được lợi dụng hoạt động của Hiệp hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thông của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. 

2. Tập hợp, đoàn kết hội viên; tổ chức, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hiệp hội; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực thang máy, thang cuốn theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hiệp hội. 

3. Phổ biến, bồi dưỡng kiến thức, thông tin về quy định pháp luật cho hội viên, hướng dẫn, khuyến khích hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và Điều lệ, quy chế, quy định của Hiệp hội. 

4. Đại diện hội viên tham gia, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật. 

5. Hiệp hội phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực thang máy, thang cuốn thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, gôm: 

a) Xúc tiến thương mại, đào tạo và thúc đẩy phát triển lĩnh vực thang máy, thang cuốn; 

b) Tham gia ý kiến xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho thang máy, thang cuốn; 

c) Tham gia nghiên cứu, tư vấn, đánh giá về an toàn, hiện trạng kỹ thuật thang máy, thang cuốn tại Việt Nam; 

d) Tham gia, nghiên cứu phát hành ấn phẩm về kỹ thuật và an toàn đối với thang máy, thang cuốn; 

đ) Hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội; 

6. Hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hiệp hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Hiệp hội. 

7. Xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức trong hoạt động của Hiệp hội. 

8. Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của Hiệp hội theo đúng quy định của pháp luật và Điều lệ của Hiệp hội. 

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Quyền hạn

1. Tuyên truyền tôn chỉ, mục đích hoạt động của Hiệp hội. 

2. Đại diện cho hội viên trong mối quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội. 

3. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội theo quy định của pháp luật. 

4. Tham gia chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu, tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của cơ quan nhà nước; cung cấp dịch vụ công về các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội, tổ chức dạy nghề theo quy định của pháp luật. 

5. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển Hiệp hội và lĩnh vực Hiệp hội hoạt động. Được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật và được cấp chứng chỉ hành nghề khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. 

6. Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hiệp hội. 

7. Thành lập pháp nhân thuộc Hiệp hội theo quy định của pháp luật. 

8. Được gây quỹ Hiệp hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật để tự trang trải về kinh phí hoạt động. 

9. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước giao. 

10. Được gia nhập các tổ chức quốc tế tương ứng và ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của pháp luật và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực Hiệp hội hoạt động và cơ quan cho phép thành lập Hiệp hội về việc gia nhập tổ chức quốc tế tương ứng, ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế. 

 


Giới thiệu doanh nghiệp

Sự kiện nổi bật