Việt Nam và Hàn Quốc đã nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Và tôi băn khoăn tự hỏi, nếu chúng ta cũng nâng cấp quan hệ hợp tác chiến lược giữa ngành thang máy ở hai quốc gia thì sẽ thế nào?
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vào đầu tháng 12/2022, Việt Nam và Hàn Quốc đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Như vậy, sau Trung Quốc, Nga và Ấn độ, Hàn Quốc là nước thứ 4 có hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, một thành quả xứng đáng được vun đắp bởi nỗ lực của rất nhiều ngành, nhiều cá nhân, trong đó không thể không nhắc đến ngành thang máy.
Hàn Quốc và Việt Nam cách xa về địa lý, điều kiện khí hậu khác nhau. Nhưng, có lẽ họ là quốc gia có nhiều nét tương đồng về văn hóa với chúng ta. Cả ưu và nhược, điều đó giúp cho các doanh nghiệp, người Việt dễ “sống” với doanh nghiệp Hàn Quốc hơn là với doanh nghiệp các nước phát triển khác. Điều này càng được khẳng định sau chuyến đi tìm hiểu thông tin, học hỏi mô hình quản lý, trao đổi kinh nghiệm an toàn thang máy của đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Hiệp hội Thang máy Việt Nam tại Hàn Quốc từ ngày 24-28/10/2022.
Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (Korea Elevator Safety Agency - KoELSA) là đơn vị chủ trì tiếp đón, chia sẻ và đồng hành cùng chúng tôi trong suốt chuyến đi này.
Với gần 800.000 thang máy đang vận hành tại đất nước 50 triệu dân (ở Việt Nam, theo thống kê chưa đầy đủ khoảng 400.000 thang), Hàn Quốc được đánh giá là có hệ thống quản lý an toàn thang máy số 1 thế giới. Tất cả các thang máy đều được cấp Mã định danh, bất kỳ người sử dụng thang máy nào cũng có thể truy cập lịch sử từng thang mà mình đang sử dụng. Các hoạt động kiểm định, kiểm tra, bảo trì, sửa chữa,… đều được cập nhật trực tuyến thông qua thiết bị thông minh cầm tay (Ipad) của kỹ thuật viên và được truyền về Trung tâm Xử lý thông tin tại trụ sở KoELSA – Trung tâm với biên chế chỉ 10 người.
Hàn Quốc cũng đã đầu tư, xây dựng những Cụm công nghiệp thang máy – Một Hệ sinh thái thực sự. Như ở thành phố Geochang – Miền Trung Hàn Quốc, với dân số khoảng 60.000 dân nhưng có tới gần 100 cơ sở trong mạng lưới công nghiệp thang máy, bao gồm các nhà máy sản xuất thang máy, nhà máy công nghiệp phụ trợ, công ty dịch vụ, phòng thí nghiệm, tháp thử, trường nghề,… Cũng tại thành phố này, chúng tôi có cơ hội trải nghiệm, trao đổi, chia sẻ tất cả những nội dung liên quan đến ngành thang máy.
Mặc dù được luật hóa cách đây 30 năm (Pháp luật về Quản lý và Chế tạo thang máy ban hành năm 1991 và có hiệu lực thi hành từ năm 1992) nhưng ngành thang máy Hàn Quốc thực sự được quan tâm đặc biệt từ năm 2016, với việc sáp nhập các cơ sở quản lý thang máy thành Cơ quan An toàn thang máy Hàn Quốc KoELSA. Năm 2018, Hàn Quốc sửa đổi toàn bộ Luật Quản lý và Sản xuất thang máy thành Luật Quản lý an toàn thang máy.
Tìm hiểu cho thấy, trước đây Hàn Quốc cũng đã có giai đoạn phát triển nóng như Việt Nam, nhưng trước những vấn đề nguy cơ về an toàn, chính phủ Hàn Quốc thấy cần thiết phải thiết lập lại trật tự cho ngành thang máy – ngành có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và sự an toàn của con người. Đây có thể coi là một nỗ lực rất lớn và là bước ngoặt trong việc nâng tầm an ninh an toàn thang máy ở đất nước này.
Đến nay, KoELSA là một tổ chức quyền lực có quy mô hơn 1.600 nhân viên, có văn phòng đại diện toàn quốc với các nhiệm vụ: Kiểm định, chứng nhận an toàn thang máy, đào tạo cộng đồng, quan hệ công chúng (PR), hoạt động công ích xã hội, điều tra tai nạn thang máy, nghiên cứu và phát triển, quan hệ quốc tế, cung cấp dịch vụ kỹ thuật thang máy, quản lý hệ thống thông tin thang máy và dịch vụ khách hàng. Các hoạt động về an toàn thang máy đã có những bước chuyển biến rõ rệt, họ không chỉ đảm bảo cho kết quả cuối cùng là an toàn thang máy mà còn kiểm soát cả quá trình thiết kế, sản xuất, lắp đặt và cung cấp dịch vụ thông qua quy trình đánh giá, thử nghiệm cấp chứng nhận,… được quy định bởi Pháp lệnh.
Mọi hoạt động an toàn thang máy đều lấy người sử dụng thang máy làm trung tâm. Có 05 đơn vị chịu trách nhiệm về an toàn thang máy ở Hàn Quốc, bao gồm: (1) Bộ An ninh Hành chính (Bộ chủ quản) – Chịu trách nhiệm về việc đưa ra chính sách, pháp lệnh; (2) Chính quyền địa phương – Quản lý hành chính và đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp thang máy; (3) Chủ sở hữu thang máy – Chịu trách nhiệm về an toàn thang máy thuộc sở hữu; (4) Doanh nghiệp thang máy – Sản xuất, lắp đặt và duy trình hoạt động của thang máy; (5) Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (KoELSA) – Quản lý nghiệp vụ về an toàn thang máy. Mỗi một chủ thể có quyền và trách nhiệm rõ ràng được quy định bởi Pháp luật.
Các cá nhân làm việc trong ngành thang máy, từ người chịu trách nhiệm về an toàn thang máy (đại diện cho chủ sở hữu thang máy), người làm việc liên quan đến thang máy và kỹ thuật viên thang máy (nhân sự trong doanh nghiệp thang máy) bắt buộc phải được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề.
Điểm qua một vài nét đặc sắc để biết ngành thang máy Hàn Quốc tuy cùng xuất phát điểm với Việt Nam (30 năm trước) nhưng đã vượt xa chúng ta về quy mô, hạ tầng kỹ thuật…Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo KoELSA cũng như nhiều chủ các doanh nghiệp thang máy Hàn Quốc có hiểu biết về thị trường thang máy Việt Nam cho rằng họ chỉ đi trước chúng ta 15 năm. Có nghĩa ngành thang máy Việt Nam bây giờ có nhiều điểm tương đồng với Hàn Quốc của 15 năm trước.
Sau chuyến công tác, Cục An toàn lao động Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng đã có báo cáo lên lãnh đạo Bộ chủ quản và có những đề xuất cụ thể cho các chương trình hợp tác tiếp theo để từng bước phát triển ngành thang máy Việt Nam. Trong đó, VNEA sẽ là một trong những đầu mối kết nối và phối hợp với các bên để thực hiện chương trình này.
Phía Hàn Quốc, cũng đã cử đoàn công tác, bao gồm đại diện Bộ An ninh Hành chính và lãnh đạo cao cấp của KoELSA sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ 01-04/12/2022. tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự triển lãm Vietnam Elevator Expo 2022, chia sẻ tham luận tại Hội thảo “Định hướng phát triển ngành thang máy Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa”.
Cũng tại sự kiện này, Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) và Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (KoELSA) đã ký kết văn bản hợp tác trong lĩnh vực an toan thang máy và phát triển ngành công nghiệp thang máy ở cả Việt Nam, Hàn Quốc. Đây có thể coi là thời điểm để đưa ngành thang máy Việt Nam từng bước tiệm cận với các ngành công nghiệp thang máy phát triển trên thế giới.
Cơ hội luôn đồng hành với thách thức. Với tư cách Tổng thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam, tôi đã có cơ hội làm việc với nhiều doanh nghiệp thang máy, tham quan các nhà máy sản xuất, gặp gỡ các nhà phân phối,… đọc được những trăn trở, tâm tư, chia sẻ của các chủ doanh nghiệp trước thực trạng của ngành thang máy Việt Nam. Tất cả, đều khát khao muốn một ngành công nghiệp thang máy lành mạnh, phát triển ngành công nghiệp thang máy Việt Nam xứng đáng với tiềm năng của nó. Với một thị trường đang rộng mở, không chỉ trên đất nước chúng ta.
Và, chúng ta xứng đáng với điều đó, tôi nghĩ vậy./.