Đó là nội dung một số giải pháp trọng tâm được Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Hải Đức nêu ra trong tham luận tại Lễ Kỷ niệm 52 năm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới (14/10). Sự kiện do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức cùng ngày tại Hà Nội.
Khai mạc buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định nhấn mạnh: “Với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (CODEX) và là thành viên liên kết của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Việt Nam có quyền và có trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn. Đồng thời chúng ta cũng cần đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng”.
Đến nay, Bộ KH&CN đã công bố hơn 13.500 Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt trên 60%, bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp, chiến lược tốt nhất trong việc tuân thủ các quy tắc và quy định đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập sâu rộng trong thương mại hóa toàn cầu.
Trong hệ thống hiện hành, có trên 200 TCVN phục vụ năng lượng xanh bao gồm năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió, nhiên liệu sinh học, quản lý năng lượng, quản lý môi trường – khí nhà kính, nhãn môi trường, tái sử dụng nước, thu giữ, vận chuyển CO2, hiệu quả sử dụng năng lượng,… mục tiêu này.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định khai mạc Lễ kỷ niệm
Trong số những tham luận tại Lễ kỷ niệm, tham luận của Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) giành được nhiều sự quan tâm. Theo ông Nguyễn Hải Đức, đối với ngành thang máy, hiện nay Việt Nam đã có nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn được chuyển đổi, vận dụng từ các tiêu chuẩn châu Âu. Tuy nhiên số lượng máy móc, linh kiện, thiết bị hay trình độ chuyên gia để thực hiện các đo lường kiểm điểm đếm không đủ, chưa đáp ứng được yêu cầu.
“Về nhân lực ngành, tuy có đào tạo nhưng chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn cụ thể, chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề. Tình trạng này giống như mời bác sĩ chữa bệnh nhưng không biết vị này tốt nghiệp trường nào và có đủ trình độ để chữa bệnh hay không?”, Chủ tịch VNEA ví von về thực trạng.
Chủ tịch VNEA nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tiêu chuẩn ESG đối với tính bền vững của doanh nghiệp Việt Nam.
Chủ tịch VNEA chia sẻ, các doanh nghiệp thường có rất nhiều mục tiêu và tùy từng giai đoạn một có các chiến lược khác nhau. Tuy nhiên, xu thế phát triển chung hiện nay là đang hướng tới ESG (Environmental – Môi trường, Social – Xã hội và Governance – Quản trị doanh nghiệp), là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Thứ nhất về yếu tố môi trường, cần định hướng để sản xuất, kinh doanh, hoạt động nghiên cứu chế tạo thì đều phải hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên bền vững.
Thứ hai, trong quá trình phát triển, mỗi doanh nghiệp có những tác động nhất định đến xã hội. Do đó sự ảnh hưởng xã hội là một yếu tố không tách rời sự phát triển của doanh nghiệp. Thay vì lợi ích của một bên, của doanh nghiệp thì chúng ta phải hướng đến cộng đồng, của người tiêu dùng, lợi ích bền vững của cộng đồng, của người lao động. Tất cả những yếu tố đó trở thành kim chỉ nam trong hoạch định sản xuất, chiến lược phát triển cũng như tạo dựng đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.
Thứ ba là quản trị bao gồm cả quản trị vĩ mô và vi mô. Về quản trị quốc gia, các nhà lập pháp, các nhà thực hiện điều hành Chính phủ định hướng các mục tiêu bền vững như thế nào. Còn quản trị vi mô là quản trị trong nội bộ doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ hoạch định định hướng doanh nghiệp như thế nào để hướng tới môi trường và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Các dấu hiệu để nhận biết một doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí ESG ở mức cao là: Đáp ứng những tiêu chuẩn tích cực về môi trường; Đề cao trách nhiệm xã hội; Quản trị và định hướng tốt; Dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động; Dự đoán và giảm thiểu rủi ro tốt…
“Theo một điều tra, ở Mỹ có tới 66 % khách hàng khi được hỏi đã lựa chọn sản phẩm của doanh nghiệp có những mục tiêu cộng đồng trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nhưng để hướng tới các mục tiêu ESG sẽ khó khăn và tốn kém nhưng chắc chắn doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Nếu thực hiện được thì doanh nghiệp sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người lao động và cộng đồng, giúp doanh nghiệp có được thương hiệu bền vững và tốt đẹp hơn”, chủ tịch VNEA chia sẻ…
Orona đã trở thành thương hiệu thang máy đầu tiên trên thế giới được chứng nhận tuân thủ tiêu chuẩn Ecodesign ISO 14006
Ba tổ chức ISO, IEC và ITU đã thống nhất đưa ra chủ đề của Ngày Tiêu chuẩn Thế giới “Tiêu chuẩn phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững – Tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn”.
Mục tiêu của năm 2022 là hành động và thúc đẩy thay đổi, đặc biệt là trong bối cảnh hành động về môi trường và khí hậu, biến tầm nhìn chung thành hiện thực. Tăng cường hiệu quả năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo là chìa khóa để đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới, đồng thời đóng góp vào các mục tiêu toàn cầu nhằm giảm lượng khí thải cacbon.
Các bộ tiêu chuẩn chính là những công cụ hữu hiệu giúp đạt được mục tiêu này./.