3 năm không phải là chặng đường dài nhưng là một hành trình đáng trân trọng và tự hào, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng như các hội viên, thành viên của Hiệp hội đã chứng minh một điều: Mọi khó khăn, thử thách đều có thể vượt qua nếu chúng ta có ý chí đủ lớn và khát vọng đủ nhiều.
Nhân dịp kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Hiệp hội Thang máy Việt Nam – VNEA (20/8/2021 – 20/8/2023), Tạp chí Thang máy đã có buổi trò chuyện, chia sẻ với Chủ tịch VNEA Nguyễn Hải Đức xung quanh hành trình ra đời, phát triển của Hiệp hội và sứ mệnh gắn kết doanh nghiệp Việt của VNEA.
PV: Là người đã gắn bó với ngành thang máy Việt hơn 20 năm, lý do và động lực nào đã thúc đẩy ông thành lập VNEA?
Chủ tịch Nguyễn Hải Đức: Trong quá trình hơn 20 năm làm việc, gắn bó với ngành thang máy, từ lâu tôi đã nhận thấy sự phát triển manh mún, nhỏ lẻ, thiếu định hướng chung của hầu hết doanh nghiệp thang máy Việt.
Tôi chứng kiến không ít doanh nghiệp thành công bằng cách phân phối thang cho các nhà sản xuất nước ngoài nhưng cuối cùng lại bị chính những nhà sản xuất đó đẩy vào thể chẳng còn gì ngoài một số tiền tích lũy được. Tất cả đều mất sạch, phải chuyển sang cho nhà sản xuất khi họ chính thức thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng có nhưng doanh nghiệp sản xuất thang máy trong nước tâm huyết một thời với sản phẩm thang máy “Made in Vietnam” thì lại rơi vào cảnh vật vã, lay lắt, mạnh ai nấy sống, giẫm đạp lên nhau bởi sự cạnh tranh tiêu cực về giá.
Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến sự cạnh tranh này chính là đa phần doanh nghiệp sản xuất thang máy Việt chưa thực sự tạo ra sự khác biệt về sản phẩm của doanh nghiệp mình với doanh nghiệp khác trên thị trường.
Căn nguyên là do hầu hết doanh nghiệp đều đang chạy theo việc bắt chước, là mua thiết bị, linh kiện, lắp ghép với giá trị gia tăng rất nhỏ. Các doanh nghiệp đều không có bí quyết công nghệ, ngay cả nguồn nhập khẩu linh kiện, thiết bị cũng giống nhau.
Tiếp theo đến từ vấn đề về quản trị, thay vì tập trung vào các công tác quản trị từ nhân lực, chi phí tới công nghệ,… để tối ưu hóa, hoạt động hiệu quả từ đó giảm giá bán nhưng vẫn đảm bảo được lợi nhuận và chất lượng sản phẩm thì hầu hết các doanh nghiệp lại lựa chọn con đường “cải lùi”.
Không ít doanh nghiệp lựa chọn co bớt phần lợi nhuận của mình, trong khi các loại chi phí hoạt động doanh nghiệp lại không được cải tiến, tối ưu hóa. Điều này dẫn đến doanh thu thuần của doanh nghiệp giảm, hoạt động teo tóp, không hiệu quả. Tất yếu dẫn đến việc doanh nghiệp giảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cắt xén nguyên vật liệu để hạ giá thành, giảm giá bán sản phẩm, gây ảnh hưởng lớn tới tiếng tăm ngành thang máy Việt.
Thấy được những khó khăn, bất cập, nỗi đau của ngành, những điều này đã thôi thúc tôi nhen nhóm lên khao khát hình thành một cơ quan đại diện cho ngành, đủ sức đủ danh để dần dần đoàn kết, định hướng các doanh nghiệp, để họ thấy rằng không thể manh mún thế này được, phải khởi tạo tính tự cường để mình phải làm chủ trên đất nước mình, phải ngồi với nhau để bàn về một cuộc chơi dài hơi, dài hạn.
Còn về phía doanh nghiệp ngoại, thay vì hoạt động thương mại đơn thuần như hiện nay là bán thang và nhập khẩu linh, phụ kiện từ nước ngoài dẫn tới chảy máu ngoại tệ,… việc thành lập Hiệp hội cũng mong muốn trở thành cầu nối, gia tăng mối quan hệ cộng tác, hợp tác giữa Hiệp hội, doanh nghiệp thang máy trong nước với các doanh nghiệp thang máy ngoại.
Mục tiêu của mối công tác này nhằm cùng nhau đưa tới những bước đi xa hơn, bền vững hơn như chuyển giao công nghệ, phát triển công nghiệp phụ trợ thang máy trong nước, nâng cao trình độ công nghệ sản xuất trong nước… tạo công ăn việc làm cho người lao động và giúp doanh nghiệp Việt thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
PV: Được thành lập trong giai đoạn đất nước đang phải gồng mình chống dịch bệnh, phát triển trong khi bối cảnh kinh tế - xã hội trong và ngoài nước có nhiều biến cố, liệu Chủ tịch có thể chia sẻ những khó khăn mà Hiệp hội đã trải qua từ những ngày đầu thành lập và động lực nào để VNEA vượt qua tất cả?
Chủ tịch Nguyễn Hải Đức: Thành thật mà nói, vấn đề thành lập hiệp hội để quy tụ các doanh nghiệp thang máy không chỉ là mong muốn, khao khát của riêng bản thân tôi, trước tôi cũng đã có rất nhiều người đã suy nghĩ về việc thành lập hiệp hội, nhưng có lẽ bởi các bước đi gian nan cũng khiến nhiều người nản.
Gần đây, tôi có cuộc trò chuyện với ông Hoa Văn Ngũ – Nguyên giảng viên Đại học Xây dựng, cũng là một trong những người thành lập Công ty Thang máy MECO (1992), ông là người từng khẳng định việc thành lập VNEA là xuất phát từ nhu cầu thực tế, là điều tất yếu trong một buổi hội thảo diễn ra năm 1996.
Và có lẽ ở thời điểm đấy cũng có rất nhiều người như ông Hoa Văn Ngũ mong muốn thành lập hiệp hội. Mỗi người một suy nghĩ, mỗi giai đoạn đều có một định hướng hay nhu cầu nào đó về việc thành lập một tổ chức, nơi quần tụ của các doanh nghiệp để cùng nhau đi đường dài.
Còn về phía tôi, có thể nói rằng tôi là người may mắn khi có được “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và đã thành công trong việc sáng lập VNEA. Thời gian đầu phát triển, Hiệp hội cũng gặp phải rất nhiều khó khăn từ kinh phí eo hẹp; con người, bộ máy non trẻ đến những vướng mắc về cơ chế, chính sách,… Sau tất cả, Hiệp hội đã từng bước cải thiện, có những hoạt động định hướng rõ ràng, hệ thống và chắc chắn.
Kết quả là với sự quyết tâm, nhiệt huyết của cán bộ, nhân viên, các hội viên, Hiệp hội trong ba năm qua đã thành công trong việc tự chủ nguồn lực, hoạt động tự quản, tuân thủ theo quy định của pháp luật và bộ tiêu chí đạo đức của các thành viên.
Mọi hoạt động của Hiệp hội đều đi đúng theo tôn chỉ, mục đích đã đề ra với mong muốn trở thành nơi quần tụ của những doanh nghiệp thang máy chân chính, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành thang máy cũng như nâng cao tinh thần tự tôn dân tộc.
PV: Người ta thường nói “trong cái rủi có cái may”, có lẽ với Hiệp hội cũng vậy, thưa ông?
Chủ tịch Nguyễn Hải Đức: Đúng vậy, như đã đề cập bên trên, Hiệp hội phát triển trong giai đoạn nền kinh tế - xã hội gặp nhiều biến động từ dịch bệnh, biến động địa chính trị, tới suy thoái kinh tế. Nhưng cũng chính thời điểm này cũng đã góp phần tạo nên sự thuận lợi cho định hướng hoạt động của Hiệp hội.
Vào khoảng thời gian này, kinh tế - xã hội quay trong một guồng quay chậm hơn, thay vì các doanh nghiệp, hiệp hội mải miết với dòng chảy của mình thì họ lại có một “khoảng nghỉ” để tái cấu trúc, để tư duy cho hướng đi xa hơn, bền vững hơn.
Kết quả là, chúng tôi đã có những hợp tác ý nghĩa với Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (KoELSA), Liên đoàn Thang máy vừa và nhỏ châu Âu, Hiệp hội Thang máy Châu Á - Thái Bình Dương và một số đối tác bên Hong Kong, Trung Quốc. Còn trong nước là trường cao đẳng, đại học và các cơ quan ban ngành.
Giống như loài người khi không có lũ lụt thì cũng chẳng có chuyện gì xảy ra, một mình vẫn có thể hái lượm, kiếm ăn. Nhưng khi có lũ lụt thì mọi người mới nghĩ tới chuyện phải hội lại thành làng, thành xã để đắp con đê ngăn sóng,
Dịch bệnh và khó khăn về kinh tế đã gây nên sự đứt quãng về dịch vụ. Điều này cũng giúp nhiều doanh nghiệp nhận ra sự liên kết, hỗ trợ trong cộng đồng các doanh nghiệp là điều vô cùng quan trọng. Từ đó, khẳng định một lần nữa việc thành lập Hiệp hội để kết nối, quần tụ các doanh nghiệp là một yêu cầu vô cùng cấp thiết.
PV: Đằng sau những khó khăn chính là thành tựu, theo ông, VNEA đã đạt được những thành công nổi bật nào trong suốt 3 năm qua?
Chủ tịch Nguyễn Hải Đức: Có một thực tế là việc quản lý thang máy tại Việt Nam còn khá lỏng lẻo so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Tiêu chuẩn và quy chuẩn sản phẩm đã có nhưng lại thiếu đi công tác thử nghiệm, thước đo để đảm bảo sản phẩm đạt hay không đạt tiêu chuẩn và quy chuẩn này.
Còn về tiêu chuẩn về con người, Việt Nam hiện cũng chưa có những quy định cụ thể. Gần đây, trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thang máy (QCVN 02:2019) mới có yêu cầu liên quan tới yêu cầu về trình độ, kỹ năng nghề. Song quy định, yêu cầu này chỉ dừng ở việc là “người am hiểu”.
Chúng tôi luôn xác định có hai yếu tố chính cấu thành nên một sản phẩm hoàn chỉnh, đầu tiên là con người và tiếp theo là cốt lõi của sản phẩm. Như vậy, thước đo cho sản phẩm và con người đều chưa có, doanh nghiệp thế nào là hay, là tốt cũng không. Việc “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay sẽ tiêu diệt động lực của sự phát triển.
Và chúng tôi bắt đầu từ căn nguyên, yếu tố tiên quyết là con người. Hiệp hội đã tổ chức các buổi hội thảo nêu bật những vấn đề bất cập của ngành, yêu cầu về tiêu chuẩn hóa con người như hội thảo “Nâng cao chất lượng nhân lực ngành thang máy Việt Nam”, “Định hướng phát triển ngành thang máy Việt Nam trong xu hướng toàn cầu hóa”,…
Thành công nổi bật tiếp theo là Hiệp hội đã thành lập cơ quan truyền thông chính thức của Hiệp hội - Tạp chí Thang máy. Trong suốt thời gian hoạt động, Tạp chí luôn thể hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vừa cung cấp những thông tin hữu ích, chất lượng thể hiện tinh thần đóng góp, phê bình thẳng thắn, định hướng dư luận tốt.
Để phát triển con người và tạo ra bản sắc riêng của thang máy Việt, Hiệp hội đã xin phép Bộ Khoa học và Công nghệ cấp phép ra đời Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy. Viện hoạt động với các chức năng chính gồm: Nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ; Nghiên cứu phát triển quy chuẩn tiêu chuẩn và Đào tạo lao động ngành thang máy Việt Nam.
Trên cơ sở các công trình nghiên cứu, thống kê, theo dõi mang tính hệ thống từ Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy, chúng tôi nhận ra số lượng thang máy công cộng và gia đình ở Việt Nam rất lớn nhưng chưa có một căn cứ cụ thể về đưa ra yêu cầu con người, vật tư thay thế định kỳ,… để nhà nước lập định mức, ban quản lý tòa nhà, gia đình theo dõi.
Đứng trước những yêu cầu cấp thiết đó, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã giao cho Viện kỹ thuật ứng dụng Thang máy xây dựng thành công bộ Tiêu chuẩn cơ sở TCVL 2301-01.2023/VILEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy”.
Bộ tiêu chuẩn cơ sở về thang máy tập trung vào các vấn đề an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy; kỹ năng nghề thang máy; định mức lao động trong bảo dưỡng, sửa chữa thang máy… nhằm hoàn thiện Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) từ quá trình thiết kế, sản xuất, lắp đặt tới sử dụng, vận hành, bảo trì, sửa chữa.
PV: 3 năm là một chặng đường không dài nhưng là một hành trình đáng trân trọng và đầy tự hào của VNEA, Chủ tịch có thể chia sẻ định hướng con đường tiếp theo của VNEA để hướng tới những dấu mốc 5 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm… thành lập?
Chủ tịch Nguyễn Hải Đức: Sứ mệnh của Hiệp hội là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và ngành thang máy Việt bền vững, văn minh, hội nhập và ngày càng tiến tới ngang tầm thế giới.
Trong những chặng đường tiếp theo, Hiệp hội xác định nhiệm vụ trọng tâm chính là chủ động, tích cực tham gia đóng góp, xây dựng pháp luật, chính sách để góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững của ngành thang máy.
Hiệp hội đã và đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng một hệ sinh thái giữa các doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp vào nền tảng số này. Chuyển đổi số không phải là mục tiêu mà là phương pháp, công cụ để đạt mục tiêu là tạo ra cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh, có sức chống chọi với những biến động của thị trường, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hội nhập quốc tế, xúc tiến thương mại cũng là câu chuyện lớn được quan tâm trong thời gian tới nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp thang máy Việt Nam chiếm lĩnh được vị trí ngày càng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để làm được điều này, Hiệp hội đã xây dựng thành công Triển lãm Vietnam Elevator Expo – Triển lãm Quốc tế tại Việt Nam về Thang máy, Thang cuốn - Công nghệ & Phụ kiện. Đồng thời, Hiệp hội cũng đẩy mạnh tham gia các triển lãm quốc tế như Triển lãm Thang máy Quốc tế Hàn Quốc,…
Trong thời gian tới, Hiệp hội cũng sẽ phối hợp với các tổ chức, hiệp hội thang máy quốc tế như Hiệp hội Thang máy Châu Á – Thái Bình Dương (PALEA), Liên đoàn Thang máy Vừa và Nhỏ châu Âu (EFESME) tổ chức các buổi hội thảo quốc tế về thang máy vào tháng 10/2023 và tháng 12/2023 sắp tới.
PV: Năm 2023 là một năm nhiều biến cố và thách thức với nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không phải trường hợp ngoại lệ, Chủ tịch VNEA có muốn gửi đôi lời nhắn nhủ tới cộng đồng doanh nghiệp thang máy Việt Nam?
Chủ tịch Nguyễn Hải Đức: Trong khoảng 10 năm trước đại dịch, tức là từ sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đến năm 2018, ta có thể tạm gọi đây là khoảng thời gian huy hoàng của ngành thang máy Việt. Các doanh nghiệp thang máy cũng nhiều như “nấm mọc sau mưa”. Họ luôn cảm thấy rằng họ cứ đi và không việc gì phải nghĩ, yên tâm rằng đồng lúa vẫn luôn nở rộ thì 3 năm vừa qua với những biến cố từ dịch bệnh, kinh tế đã là đòn giáng mạnh tới hầu hết doanh nghiệp.
Chính đòn giáng này đã khiến doanh nghiệp hiểu rằng, chúng ta cần nâng cao, giữ vững tinh thần học hỏi liên tục, trình độ quản trị doanh nghiệp cần phải đầy đủ hơn từ tài chính, nhân lực, chiến lược,… phải tích lũy đủ mới qua được những chông gai, bão táp.
Tôi muốn nhắn nhủ rằng, với độ trễ của ngành thang máy thì năm 2024 vẫn sẽ là một năm vô cùng khó khăn của doanh nghiệp, thậm chí còn khó khăn hơn cả năm 2023.
Qua đó, các bạn sẽ nhận thấy vì sao phải có một hệ sinh thái gắn kết các doanh nghiệp trong ngành với nhau. Thay vì cạnh tranh thì chúng ta nên thông minh để cùng nhau tạo ra hệ sinh thái bền vững. Chúng ta phải tập hợp lại để có sức mạnh của “bó đũa”.
- Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!
Lời cảm ơn:
Nhân kỷ niệm 3 năm ngày thành lập (20/8/2021 – 20/8/2023), Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) xin trân trọng gửi lời cảm ơn đến các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức nghề nghiệp, đối tác trong nước và quốc tế, đặc biệt là các Quý Hội viên đã hợp tác tích cực, hiệu quả cùng VNEA nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành thang máy Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.