Từ câu chuyện người khởi xướng phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” của ông “Vua tàu thuỷ” hay “Chúa sông Bắc Kỳ” Bạch Thái Bưởi, nghĩ đến việc phát triển thương hiệu thang máy trong nước.
Ít ai biết rằng khẩu hiệu "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam" quen thuộc trong sản xuất và tiêu dùng tại nước ta suốt hai thập kỷ qua lại xuất hiện đầu tiên vào đầu thế kỷ 20 bởi nhà tư sản ái quốc, doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Khi đó dịch vụ vận tải đường sông là lĩnh vực độc quyền của người Hoa và người Pháp, còn đối với người Việt thì đó là "vùng cấm". Nhưng bằng lòng quả cảm, quyết tâm không chịu thua kém doanh nhân nước ngoài, Bạch Thái Bưởi đã thuê lại ba chiếc tàu của người Pháp, kêu gọi sự ủng hộ của chính đồng bào mình để đi tàu của ông. Tàu Bưởi trở thành thương hiệu nổi tiếng và đã cạnh tranh thắng lợi với các hãng vận chuyển lớn thời bấy giờ.
Chợt nghĩ đến ngành thang máy. Nếu như trước đây (giai đoạn 1990 – 2005), thang máy thương hiệu Việt chỉ có tầm chục đơn vị và tất cả đều là những nhà sản xuất, có đội ngũ thiết kế, hạ tầng sản xuất và tạo ra được những sản phẩm thang máy gắn với chính thương hiệu của mình. Điều này giúp cho khách hàng có thể dễ dàng tìm hiểu, kiểm tra thông tin và không bị lẫn lộn giữa các thương hiệu.
Ở giai đoạn đầu của ngành thang máy, đa số các hãng thang nội đều làm đại lý phân phối cho một hãng thang máy nhập khẩu có tiếng trên thế giới với mục tiêu đáp ứng, phục vụ nhu cầu của các công trình cao cấp, nhà cao tầng thường đòi hỏi thang máy tốc độ nhanh và chất lượng cao. Còn các sản phẩm mang thương hiệu nội thường cung cấp cho nhà phố và công trình nhỏ có chi phí đầu tư khiêm tốn hơn.
Do tất cả công ty đều phát triển độc lập tương tự các hãng thang máy nổi tiếng trên thế giới, nên sản phẩm cung cấp ra thị trường đều mang nét riêng biệt của mỗi đơn vị sản xuất. Ta có thể dễ dàng nhận biết tên tuổi như Tự Động (TDE), Thiên Nam (TNE), Thang Việt (VietLift), Á Châu (Asia),… chỉ bằng cách xem sơ qua vài chi tiết như nút gọi, hiển thị, hay mẫu trần.
Đây là cách xây dựng bài bản nhằm tạo dựng được một thương hiệu thang máy đúng nghĩa. Trách nhiệm và tên tuổi của công ty sẽ gắn liền với chính sản phẩm do mình thiết kế, sản xuất, thi công và vận hành sử dụng. Do đó, các đơn vị này thường tuân thủ áp dụng đúng với các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn mà cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành.
Với hai phân khúc hoàn toàn tách biệt, sản phẩm nhập khẩu từ những thương hiệu lớn trên thế giới tập trung vào phân khúc cao cấp và toà nhà cao tầng, sản phẩm nội địa do các công ty trong nước sản xuất tập trung vào phân khúc bình dân và nhà ở gia đình, thị trường thang máy Việt đã tạo ra rất nhiều thương hiệu, sản phẩm để khách hàng chọn lựa tuỳ theo đặc thù công trình xây dựng.
Tuy nhiên, những năm trở lại đây nhu cầu thang máy ngày càng tăng cao và phổ biến dần cho các ngôi nhà phố. Cùng với sự phát triển của rất nhiều nhà cung cấp thiết bị, linh kiện cho thang máy tại Trung Quốc đã giúp việc chế tạo thang máy của các doanh nghiệp Việt Nam trở nên dễ dàng hơn, tạo ra nhiều sự lựa chọn. Những đơn vị gia công cơ khí trong nước cũng xuất hiện nhiều hơn và sẵn sàng thực hiện đơn hàng, tạo ra sự đa dạng các sản phẩm thang máy.
Thực tế cho thấy, nhiều công ty thang máy trong nước đang chào bán sản phẩm với các chi tiết đều gắn với thương hiệu từ những nhà sản xuất linh phụ kiện của Đức, Ý, Nhật, Hàn Quốc,… Có lẽ, cũng phần nào đó do tâm lý khách hàng nên các doanh nghiệp này thường “cố gắng” liệt kê nhiều chi tiết, linh kiện được nhập khẩu từ các nước có nền công nghiệp phát triển thay vì gắn với sản phẩm hay thương hiệu của chính đơn vị đó sản xuất.
Điều này dẫn tới thương hiệu thang máy Việt dần mất đi và phần lớn được thay thế bằng những nhãn mác của các thương hiệu thiết bị nước ngoài. Hoặc cũng có khi “mác ngoại” nhưng nguồn gốc thật sự có thể đến từ bất cứ hãng gia công nào cả trong và ngoài nước.
Trở lại với doanh nhân Bạch Thái Bưởi, năm 1919, ông cho hạ thủy tàu Bình Chuẩn – Chiếc tàu đầu tiên hoàn toàn do người Việt thiết kế và đóng mới, phục vụ tuyến đường thuỷ Hải Phòng – Sài Gòn trong sự khâm phục của chính quyền thuộc địa. Đây được coi là niềm tự hào của giới tư sản dân tộc Việt Nam thời kỳ này, đưa tên tuổi doanh nhân Bạch Thái Bưởi lên một tầm cao mới với danh xưng “Chúa sông Bắc Kỳ”. Khẩu hiệu “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam” cũng góp phần thắt chặt tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, khơi dậy lòng yêu nước trong giới công thương và người dân thành thị. Điều này cũng khởi xướng một xu hướng kinh doanh phục vụ dân sinh và làm cho không ít nhà tư sản Việt Nam khác học tập, noi theo.
Nếu tinh thần “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” được khơi dậy như cách đây 100 năm, khách hàng thay vì chỉ tìm hiểu đơn lẻ từng thiết bị cấu thành thang máy được nhập khẩu từ đâu mà quan tâm hơn tới trách nhiệm, uy tín của đơn vị cung cấp, thiết kế, đặc tính vận hành của hệ thống thang máy thì cơ hội cho các hãng thang máy thương hiệu Việt xây dựng và phát triển sẽ bền vững hơn./.
Ông Trần Vĩnh Phước, Phó Tổng Giám đốc TNE thị sát quá trình sản xuất tại nhà máy ở Long An
Lời tòa soạn: Các quan điểm của tác giả được giữ nguyên.