70.000 là số phương tiện cơ giới được bỏ qua các lỗi vi phạm về kiểm định chất lượng, khiến người ta băn khoăn tự hỏi là đối với thang máy thì sao? Có tình trạng thiếu kiểm soát ở sản phẩm có nguy cơ gây mất an toàn này hay không?
Nếu theo dõi báo chí, câu chuyện mang tính thời sự trong những ngày cuối tháng 12/2022 là việc cảnh sát đột kích, bắt giữ lãnh đạo của 9 Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại thành phố Hồ Chí Minh.
Điều tra bước đầu, nhà chức trách cáo buộc các trung tâm nói trên đã cố tình bỏ qua lỗi vi phạm về kiểm định chất lượng và tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường và một số lỗi khác cho hơn 70.000 xe cơ giới. Đây là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, coi thường tính mạng của những người tham gia giao thông bởi không ai biết những phương tiện kia có thể gây ra những hậu quả khôn lường như thế nào.
Các chủ mưu đã chỉ đạo nhân viên lập khống danh sách kiểm định viên, giả mạo các chữ ký của kiểm định viên trong các hồ sơ cấp phép đạt yêu cầu cho các thiết bị cơ giới. Thậm chí còn đưa kiểm định viên “giả” vào trung tâm để đối phó với các thiết bị kiểm soát, hòng che mắt các cơ quan chức năng!?
Quay ngược thời gian lại một chút để cùng tìm hiểu vấn đề. Trước năm 2019, hầu hết các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đều là đơn vị sự nghiệp Nhà nước, chỉ có một số ít đơn vị được thí điểm đầu tư, hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Trong khoảng thời gian này, những chiếc xe mới thì không nói nhưng những phương tiện đã hoạt động trên 5 năm khi đi kiểm định lại thường phát hiện ra rất nhiều lỗi, nhất là khí thải không đạt tiêu chuẩn. Và nếu như, những tài xế không tế nhị để 200 nghìn chỗ hốc để đồ (đối với xe con), 500 nghìn đồng (đối với xe tải, xe khách),… thì sẽ bị các kiểm định viên hành lên hành xuống, bắt mang xe đi sửa, xe không thể đăng kiểm. Nói vậy để thấy, việc nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi kiểm định chất lượng đã diễn ra từ lâu và nó chẳng phải điều gì đáng ngạc nhiên. Việc làm của các kiểm định viên khi đó nó cũng không đơn giản là việc làm cá nhân mà là sai phạm có hệ thống của các trung tâm đăng kiểm, từ trên xuống dưới.
Sau năm 2019, khi quy định về phát triển trung tâm đăng kiểm theo quy hoạch vùng, địa phương được gỡ bỏ thì các trung tâm đăng kiểm do doanh nghiệp tư nhân đầu tư tăng số lượng nhanh chóng. Sự cạnh tranh là rất lớn nên gần như không còn chuyện vô lý là mỗi xe đi đăng kiểm phải mất thêm các khoản phí “không biên lai” 200, 500 nghìn như trước nữa. Thế nhưng, chất lượng kiểm định viên lại là câu chuyện đáng buồn khi mà Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải phát hiện 30/34 trung tâm đăng kiểm có sai phạm và phải đình chỉ hàng chục kiểm định viên tại cùng thời điểm.
Dù sau đó, những nỗ lực về cải tiến công nghệ bằng cách tăng khả năng tự động hóa trong quy trình đăng kiểm, giám sát trực tuyến từ xa,… đã có những hiệu quả nhất định. Thế nhưng con voi vẫn chui lọt lỗ kim. Hàng nghìn chiếc ô tô không đủ điều kiện an toàn vận hành vẫn được cho đạt điều kiện đăng kiểm! Rõ ràng tất cả phụ thuộc vào yếu tố con người. Con người ở các vị trí quản lý nhà nước và con người trực tiếp ở trung tâm đăng kiểm. Trình độ và đạo đức của họ, giám sát hay đánh giá cách nào? Đó vẫn là một câu hỏi mà tôi đau đáu đi tìm lời giải.
Ngành thang máy cũng có những câu chuyện như vậy. Tháng 1/2022, vụ án rơi vận thăng lồng ở Nghệ An được đưa ra xét xử. Tai nạn thảm khốc đã khiến 3 người tử vong và 8 người khác bị thương. Nguyên nhân được xác định đến từ việc người không có chuyên môn kỹ thuật, không phải là kiểm định viên nhưng lại đi kiểm định thiết bị vận thăng lồng và cho phép nó hoạt động bình thường.
Vụ việc này cho thấy trách nhiệm kiểm soát nhân sự thực hiện công tác kiểm định thiết bị đã hoàn toàn bị buông lỏng. Những thứ đơn giản nhất như kiểm tra Chứng chỉ kiểm định viên, khẳng định một phần năng lực của người trực tiếp thực hiện kiểm định đã bị bỏ qua. Và người ta đã không thể hình dung được tử thần đã chờ sẵn trong các thiết bị như thế. Những nỗi đau không thể bù đắp, khắc phục.
Thang máy, được xếp vào nhóm 2 (nhóm sản phẩm, hàng hóa có thể gây mất an toàn) theo danh mục quản lý của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Chúng ta không thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kiểm định, xử phạt,… để tạo ra hành lang pháp lý ngăn ngừa sai phạm, bảo vệ sự an toàn của người tiêu dùng. Nhưng tình trạng sai phạm trong khâu kiểm định thang máy vẫn diễn ra rất khó kiểm soát. Một trong những sai phạm cơ bản là bỏ qua các lỗi để hợp thức hóa và cho thang máy hoạt động bình thường. Đến đầu năm 2022, cả nước đã có 169 doanh nghiệp, tổ chức làm công tác kiểm định. Con số không hề nhỏ này đã khiến tôi đặt thêm câu hỏi rằng phải chăng việc tạo điều kiện dễ dàng khi bỏ qua các lỗi của thang máy cũng là một cách giữ chân khách hàng, cạnh tranh của các doanh nghiệp kiểm định thang máy? Nếu có thì nó quả thực hết sức nguy hiểm cho người sử dụng. Mà điều này thì rất có thể khách hàng của họ không hề hay biết bởi không ai muốn sử dụng những thiết bị có thể gây ra bất cứ mối nguy hại nào ngay trong căn nhà của mình!
Những vấn đề này đặt ra cho những cơ quan chức năng phải quản lý, giám sát như thế nào chứ không thể chỉ đặt niềm tin một cách dễ dàng nơi các trung tâm đăng kiểm? Còn nếu không, khi những thứ dối trá vẫn có đất để diễn thì những nỗi đau về mất an toàn sẽ còn tái diễn và hậu quả tác động nặng nề đến sự phát triển không chỉ của ngành thang máy mà còn của cả xã hội. Đó là điều mà chúng ta cần phải suy nghĩ!