Tháo gỡ vướng mắc về thử nghiệm thiết bị thang máy tại Việt Nam

TCTM – Tại cuộc họp do Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổ chức ngày 02/7/2025, Đại diện Cục Việc làm, Bộ Nội vụ đã trực tiếp giải đáp các vướng mắc liên quan đến vấn đề thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của thang máy và thiết bị an toàn.

Sáng 02/7/2025, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã tổ chức cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của gần 170 doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực thang máy trên cả nước, để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp trong thử nghiệm thang máy và thiết bị thang máy tại Việt Nam.

Tham dự cuộc họp có ông Vũ Tiến Thành – Đại diện Cục Việc Làm, Bộ Nội vụ; ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam, cùng đại diện các đơn vị kiểm định.

Hiệp hội Thang máy Việt Nam cũng đã nhận được Công văn số 4620/BNV-CVL của Bộ Nội vụ, phúc đáp các đề xuất, kiến nghị liên quan đến quy định thử nghiệm thiết bị thang máy.

Dựa trên Công văn phản hồi của Bộ Nội vụ số 4620/BNV-CVL, Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Huy Tiến đã trình bày, hướng dẫn về các căn cứ pháp lý liên quan đến việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp để phục vụ chứng nhận, công bố hợp quy các sản phẩm hàng hóa nhóm 2, cụ thể là thang máy và các thiết bị an toàn, gồm: Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN.

Giải thích thêm về Thông tư số 13/2024/TT-BLĐTBXH, ông Vũ Tiến Thành khẳng định quy định bãi bỏ Điều 6 Thông tư số 26/2018/TT-BLĐTBXH về “Thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp” nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh quy định chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Việc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp quốc tế, tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài để phục vụ chứng nhận, công bố hợp quy các sản phẩm hàng hóa nhóm 2, trong đó có thang máy, được thực hiện thống nhất theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 06/2020/TT-BKHCN.

Đại diện Cục Việc làm cũng cho biết, theo quy định hiện hành, thang máy nguyên chiếc, các linh kiện an toàn của thang máy quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBXH được xem là sản phẩm hoàn chỉnh để kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu. Nếu thang máy nguyên chiếc hoặc các linh kiện này đã được chứng nhận sự phù hợp với các tiêu chuẩn và được thực hiện tại các phòng thử nghiệm được thừa nhận hoặc chỉ định thì sẽ không cần phải tiến hành thử nghiệm lại.

Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Thành cũng lưu ý, các tổ chức, chuyên gia đánh giá cũng cần phải đánh giá rất rõ ràng. Hiện nay, QCVN 02:2019/BLĐTBXH được xây dựng dựa trên cơ sở TCVN 6396, tương đồng hoàn toàn theo Tiêu chuẩn EN 81, do đó các sản phẩm cũng phải đạt chứng nhận tương thích theo EN 81 hoặc TCVN 6396.

“Với các tiêu chuẩn khác của Nhật Bản hay Mỹ chưa có sự tương thích theo các tiêu chuẩn EN 81 và TCVN 6396, các chuyên gia phải nghiên cứu kỹ lưỡng sự tương thích của tiêu chuẩn Nhật Bản hay Mỹ với các quy định tại TCVN 6396 và EN 81 để đánh giá việc thừa nhận kết quả thử nghiệm hay không”, đại diện Cục Việc làm nêu rõ.

Một số doanh nghiệp thang máy như Otis Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam,… tham gia cuộc họp tại trụ sở Hiệp hội Thang máy Việt Nam

Đại diện Cục Việc làm cũng thông tin, Quốc hội gần đây cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Dự thảo các luật này đã thống nhất vấn đề đánh giá sự phù hợp, nội dung đánh giá sự phù hợp sẽ được bãi bỏ ở Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và đưa sang thống nhất tại Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Tất cả văn bản này có hiệu lực từ 01/01/2026, các văn bản cũng sẽ được điều chỉnh thống nhất theo quy định mới.

Nếu như trước đây chúng ta thực hiện thỏa thuận song phương, giữa các tổ chức và tổ chức. Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sẽ cho phép thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp quốc tế, nước ngoài để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước.

Do vậy, trong giai đoạn tiếp theo, sau khi có quy định cụ thể của Chính phủ, Cục Việc làm sẽ trao đổi, làm việc với Hiệp hội Thang máy Việt Nam trong việc tham mưu danh sách các tổ chức đánh giá sự phù hợp quốc tế, nước ngoài, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện để có thể thừa nhận đơn phương. Từ đó, đưa ra chính sách cụ thể về việc: một là đánh giá thừa nhận dựa trên tiêu chuẩn nào; hai là các tổ chức đánh giá sự phù hợp nào sẽ được quy định rõ.

Tất cả được thực hiện dựa trên cơ sở sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản hướng dẫn như tại Thông tư 26/2018/TT-BLĐTBXH quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) và Thông tư 01/2021/TT-BLĐTBXH quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ.

Việc lắng nghe, phản hồi và vào cuộc kịp thời của Cục Việc làm cũng như Bộ Nội vụ đã giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp ngành thang máy cũng như các tổ chức kiểm định đang phải đối mặt.


Other news

Enterprise introduction

General events