Khoảng 130.000 là số thang máy sẽ “hết đát” vào năm 2025. Đây là vấn đề đau đầu mà nước Nga sẽ phải đối mặt. Nhìn lại Việt Nam, chúng ta có những thách thức tương tự cần phải giải quyết.
Nga đang sử dụng khoảng 530.000 thang máy. Đến năm 2025, thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Quy định kỹ thuật EAEU (Liên minh Kinh tế Á-Âu mà Nga là thành viên) – 1/4 số thang máy nói trên sẽ cán mốc “một phần tư thế kỷ”. Các thang máy “hết đát” cần được kiểm tra, đánh giá tổng thể để sửa chữa, nâng cấp hay thay thế mới.
Các cơ quan chức năng của chính phủ, quốc hội, các tổ chức nghề nghiệp xã hội liên quan đã đề xuất chính phủ Nga triển khai Chương trình Quốc gia về nâng cấp, thay thế thang máy từ việc dành một phần ngân sách, xây dựng các quỹ cải tạo nhà, chương trình hỗ trợ trả góp,… Nhưng có vẻ như chương trình này đang gặp phải thách thức lớn, đặc biệt là sau lệnh cấm vận kinh tế từ phương Tây khiến hàng loạt doanh nghiệp thang máy lớn rời khỏi thị trường Nga.
Theo kế hoạch, tính đến năm 2025, Nga chỉ có thể sửa chữa cơ bản và thay thế được 1/2 số lượng thang máy trong tổng số 130.000 thang.
Một quốc gia có tiềm lực tài chính, khoa học kỹ thuật phát triển như nước Nga vẫn còn vấp phải những vấn đề như vậy, liệu Việt Nam thì sao?
Thị trường thang máy Việt Nam được hình thành từ năm 1994, khi Hoa Kỳ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận Việt Nam và hàng loạt doanh nghiệp thang máy lớn đổ bộ vào nước ta, cùng với đó là sự ra đời các doanh nghiệp thang máy Việt. Tuy vậy, phải đến năm 1998 thì số đông người Việt mới thực sự được trải nghiệm thang máy. Đó là thời điểm mà hàng loạt tòa chung cư cao tầng đầu tiên được xây lên tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
1/4 thế kỷ chúng ta được trải nghiệm thang máy. Và các nỗi lo bắt đầu.
Các tòa nhà chung cư cũ, sau một thời gian sử dụng đã bắt đầu lão hóa, đặc biệt là các thiết bị cơ điện. Ban quản trị tòa nhà và cư dân đã buộc phải làm quen với tình cảnh mới: “sống chung với lũ”. Đó là những bất cập liên tục xảy ra liên quan đến thang máy.
Nếu trục trặc nhẹ thì phải dừng hoạt động luân phiên thang máy để chờ thiết bị thay thế. Người dân sẽ chỉ mất thời gian để kiên nhẫn chờ đợi hơn trước.
Nếu hỏng hóc nặng hơn, người dân có thể bị nhốt trong thang máy, hoặc phải đi bộ,… và có cảm giác bất an thường trực là điều dễ hiểu.
Làm việc với Ban Quản trị các tòa nhà chung cư, được biết họ cũng đang nỗ lực cùng cư dân tìm kiếm các giải pháp khả thi để giải quyết các vấn đề liên quan đến vận hành tòa nhà, trong đó có thang máy. Cái khó là nguồn kinh phí từ quỹ bảo trì đã hết từ lâu, ngân sách vận hành dựa vào nguồn thu từ việc khai thác thương mại các không gian sử dụng chung của tòa nhà. Phần còn lại (chủ yếu) từ phí dịch vụ – nguồn đóng góp của cư dân tương đối khiêm tốn so với những chi phí khổng lồ từ các thang máy ngoại đã rệu rã.
Vậy khi tiền không có, liệu có ló cái khôn?
Việt Nam chưa có quy định về thời hạn sử dụng thang máy, có nghĩa thang máy có thể sử dụng cho đến khi… không còn chạy nổi. Dĩ nhiên, chúng phải vượt qua các bước kiểm định an toàn kỹ thuật định kỳ. Tuy nhiên, việc sử dụng các thang máy quá cũ, không chỉ tăng tần suất sửa chữa, hư hỏng đột xuất mà còn có thể gây nên những rủi ro mất an toàn. Trăm voi đổ đầu… cư dân – người sử dụng thang máy. Đáng ra, họ phải là đối tượng được quan tâm đầu tiên. Họ là người trả tiền để sử dụng thang máy và họ có quyền được đảm bảo an toàn cho việc di chuyển của mình. Những khó khăn đã nhìn thấy và theo thời gian sẽ còn nhiều hơn.
Ở Việt Nam, lịch sử cũng để lại một di sản đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Đó là các khu tập thể được xây dựng từ thời Liên Xô cũ. Trải qua nhiều lần “thay da đổi thịt”, được “nội địa hóa” thành những khu dân cư đặc trưng Việt Nam bằng cách sửa chữa chắp vá, cơi nới, những tập thể này hiện đã xuống cấp thảm hại. Không những vậy, những “vết sẹo xấu xí” này đang làm mất mĩ quan đô thị. Nhưng khổ một nỗi, chúng đều tọa lạc ở những vị trí đắc địa, có giá rất cao. Thế nên, việc cải tạo, nâng cấp hay phá bỏ đền bù tái định cư sẽ đòi hỏi nhiều nguồn lực, chưa phải là sự ưu tiên của bầu ngân sách vốn đã hạn hẹp. Nó cũng chưa thu hút được các nguồn lực xã hội. Các tập thể cũ vẫn đứng đó như một sự bế tắc của cả người dân và chính quyền đô thị.
Liệu bài học từ nước Nga xa xôi, hay các khu tập thể cũ ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… có là lời cảnh tỉnh cho ngành thang máy? Nếu không có một chương trình khả thi mang tầm quốc gia ngay từ bây giờ, e rằng sẽ muộn!
Số lượng thang máy cũ ngày một tăng lên, gánh nặng tài chính phục vụ vận hành được đặt lên đầu mỗi một cư dân. Như chia sẻ của thành viên Ban Quản trị của một tòa nhà, họ buộc phải tăng gấp rưỡi phí dịch vụ để trang trải cho các hoạt động đảm bảo an toàn của chung cư. Đó là chưa kể đến những khoản tài chính sẽ phải đóng góp để thay thế, nâng cấp thang máy trong tương lai. Liệu mỗi cư dân, mỗi hộ gia đình có kinh tế eo hẹp sẽ kham nổi?
Có lẽ các cơ quan chức năng, các tổ chức, các nhà chuyên môn cần tham mưu cho Chính phủ một giải pháp tổng thể hơn. Một chương trình Quốc gia về nâng cấp, thay thế thang máy. Cần phải có thống kê, đánh giá và đưa ra lộ trình để chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn lực từ toàn xã hội ngay từ bây giờ.
Trong chương trình đó cần phải có chính sách để các doanh nghiệp thang máy trong nước có cơ hội tham gia cùng các ông lớn trong ngành thang máy thế giới đang kinh doanh ở Việt Nam. Các tập đoàn thang này vào thị trường sớm hơn, có thị phần dịch vụ thang máy nhiều hơn (hầu hết các thang máy lâu đời nhất ở Việt Nam thuộc các tập đoàn thang máy đa quốc gia) và họ đang hưởng lợi từ điều đó, kể cả việc độc quyền linh kiện, thiết bị…
Khá thuận lợi, khi phần lớn các thang máy “đời đầu” ở Việt Nam thuộc phân khúc trung và thấp tầng (dưới 20 tầng). Đây cũng đang là chút lợi thế cho doanh nghiệp Việt, khi họ đã hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật ở phân khúc này. Khi có cơ hội tham gia vào chương trình, ngoài việc cung cấp cho thị trường những linh kiện, thiết bị,… với chi phí cạnh tranh và với lợi thế về dịch vụ sẽ giúp giải quyết các vấn đề mang tính quốc dân nêu trên, cũng là cách giúp doanh nghiệp thang máy có sự ổn định, từng bước phát triển, cải tiến công nghệ để tiếp cận các công trình cao tầng hơn. Đến khi các công trình cao tầng bị lão hóa, có thể cũng là lúc chúng ta đã bắt kịp công nghệ thang máy cao tầng và thị trường thang máy Việt – một thị trường thuộc top đầu thế giới trong nhiều năm tới sẽ có sự cạnh tranh sòng phẳng.
Người hưởng lợi chính là khách hàng, các cư dân./.
Nguyễn Huy Tiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA)