Singapore là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh về số lượng nhà cao tầng và điều này khiến cho thang máy sẽ càng trở nên thiết yếu. Con số 67.000 thang máy hiện có đã nói lên điều đó. Tuy nhiên, lĩnh vực này chưa thu hút được sự quan tâm của thị trường lao động Singapore. Những khuyến nghị được xây dựng và giới thiệu dưới đây sẽ cho thấy Singapore đang rất chú trọng đến việc tạo điều kiện để có sự chuyển dịch lao động vào ngành thang máy.
Dân số Singapore đang già đi, lực lượng lao động cũng tương tự. Ước tính có khoảng một nửa lực lượng lao động trong ngành thang máy và thang cuốn ở độ tuổi trên 50. Trong khi đó, bảo trì thang máy nói riêng, kỹ thuật thang máy nói chung chưa phải là một nghề được người dân quan tâm và nó là thách thức lớn nhất. Đó là do:
+ Mức lương cơ bản thấp: Dựa trên cuộc khảo sát thực hiện vào năm 2016, mức lương cơ bản đầu vào đối với kỹ thuật viên thang máy dao động từ 1,300$ đến 1,600$/tháng. Trong đó bao gồm cả thu nhập làm ngoài giờ, chiếm tới gần một nửa và không chắc chắn. So với một nghề như lái xe buýt với lương khởi điểm là 1,950$/tháng thì rõ ràng thu nhập của nghề bảo trì thang máy là rất thấp.
+ Yêu cầu điều kiện làm việc: Các giếng thang và phòng máy thường tối tăm, ngột ngạt, nóng bức. Những điều kiện đó khiến cho công việc bảo trì trở nên mệt nhọc khi kỹ thuật viên phải chui vào chỗ hẹp trên nóc cabin hay làm việc dưới hố thang. Thời gian làm việc dài và không thể đoán trước do các cuộc gọi khẩn cấp hoặc dịch vụ ngoài giờ. Công việc này cũng đòi hỏi chuyên môn sâu về kỹ thuật nhưng nó thường được coi là “công việc chân tay và không phù hợp”.
Môi trường làm việc nóng, hẹp, tiềm ẩn rủi ro đã khiến cho sức hút việc làm
đối với ngành thang máy Singapore kém hấp dẫn.
Ủy ban Ba bên về Thang máy và thang cuốn (The Lift and Escalator Sectoral Tripartite Commitee – L&E STC, gọi tắt là STC) của Singapore được thành lập vào tháng 1/2017 để xem xét các sáng kiến nhằm thu hút, phát triển và giữ chân người lao động Singapore trong lĩnh vực thang máy & thang cuốn. Các thành viên của STC bao gồm đại diện từ hiệp hội ngành và công đoàn, cơ quan quan trọng của chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ thang máy và khách hàng. Họ đã đưa ra một khuyến nghị, được đánh giá là rất quan trọng trong việc thu hút nhân lực lao động cho ngành thang máy.
Lộ trình phát triển hiện có trong ngành thang máy, dựa trên khảo sát từ các công ty thang máy được thể hiện trong Sơ đồ 1. Công nhân sẽ bắt đầu ở cấp độ Thợ cơ khí và tích lũy một số kiến thức trước khi chuyển sang cấp độ Kỹ thuật viên. Những kỹ thuật viên có kỹ năng tốt hơn sẽ phát triển lên vai trò Giám sát... Với lộ trình thông thường như vậy sẽ tạo ra tình trạng thiếu các kỹ thuật viên lành nghề và giàu kinh nghiệm, làm việc trực tiếp.
Sơ đồ 1: Các lộ trình phát triển nghề nghiệp hiện có trong ngành thang máy
STC khuyến nghị thay thế bằng lộ trình phát triển nghề nghiệp “kép” (Chuyên gia; Giám sát) được xác định rõ ràng hơn, theo mô hình lương lũy tiến (PWM) (Sơ đồ 2a và 2b). Các chức danh công việc theo PWM cũng được đặt tên để phản ánh đúng vai trò.
Sơ đồ 2a: Trách nhiệm, quyền lợi thể hiện rõ ràng theo mô hình lương lũy tiến (PWM)
Sơ đồ 2b: Các khóa đào tạo tiềm năng cho từng cấp độ của mô hình lương lũy tiến (PWM)
Ngoài việc cung cấp lộ trình phát triển nghề nghiệp, còn cần phải cải thiện môi trường làm việc để nâng cao sức hấp dẫn. Chẳng hạn như Ủy ban Tiêu chuẩn Singapore đang xem xét các Tiêu chuẩn SS550 để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và chỉ định ánh sáng cao hơn mức bình thường bên trong giếng thang, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công việc bảo trì. Hay những nghiên cứu việc cải thiện hệ thống thông gió trong giếng thang và phòng máy để tạo ra một môi trường làm việc mát mẻ hơn cũng đang được thực hiện.
STC đề xuất một chiến lược 3 mũi nhọn (Sơ đồ 3).
Sơ đồ 3: Các chiến lược thu hút và phát triển nhân tài cho ngành thang máy Singapore
STC khuyến nghị nỗ lực tiếp cận để nâng cao nhận thức của cộng đồng về ngành thang máy qua các đối tượng cụ thể (sinh viên, nhà giáo dục và người tìm việc), thông qua việc truyền đạt sự thay đổi đang diễn ra của ngành công nghiệp thang máy.
Sơ đồ 4: Chiến lược nhằm nâng cao nhận thức về các khía cạnh tích cực của ngành thang máy
STC khuyến nghị các công ty thang máy ký một cam kết tự nguyện áp dụng các chính sách nhân sự tốt. Đó có thể bao gồm việc áp dụng mô hình lương lũy tiến PWM, cung cấp đào tạo tại chỗ và thiết lập một hệ thống công nhận và khen thưởng cho thành tích tốt.
Để chuyên nghiệp hóa lực lượng lao động và chứng minh tầm quan trọng của ngành thang máy, việc nâng cao kỹ năng cho nhân lực là điều rất cần thiết. Khi các công nghệ mới như giám sát và chẩn đoán từ xa (Remote Monitoring & Diagnostics) được thông qua, các kỹ thuật viên và kỹ sư sẽ phải được đào tạo lại để trang bị thêm kỹ năng mới cho các công việc. Điều này tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho cả tổ chức và người lao động.
Cho đến thời điểm hiện tại, Singapore chưa có quy định tiêu chuẩn hóa (bằng cấp, chứng nhận, đào tạo,...) cho nhân viên bảo trì thang máy. Hiện không có chương trình giảng dạy được áp dụng cho toàn ngành. Các công ty thực hiện nâng cấp năng lực cho người lao động thông qua đào tạo tại chỗ.
STC khuyến nghị thực hiện đào tạo và cấp chứng chỉ phù hợp với PWM để đảm bảo rằng tất cả nhân viên bảo trì – những người mới tham gia và nhân sự hiện có – được trang bị các năng lực chính cần thiết để thực hiện trách nhiệm công việc của họ. Bao gồm các yếu tố sau:
- STC khuyến nghị điều chỉnh các yêu cầu đào tạo và chứng nhận để phục vụ cho các nhu cầu khác nhau của các nhóm nhân sự khác nhau trong ngành (tức là người tham gia mới và nhân sự hiện có), trong khi vẫn đảm bảo rằng họ đáp ứng các yêu cầu cần thiết về năng lực. STC khuyến nghị rằng các chương trình giảng dạy phải phù hợp với PWM, để sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia vào công việc ngay sau khi tốt nghiệp.
- Đối với những người đã sở hữu một số kinh nghiệm kỹ thuật thực tế có thể nhanh chóng chuyển đổi sang công việc bảo trì thang máy. Trước đó, họ sẽ cần tham gia các khóa học “bắc cầu”.
- Đối với các nhân sự hiện có, các công ty thang máy tiến hành lập “bản đồ” để bố trí nhân viên bảo trì ở các cấp thích hợp dựa trên trách nhiệm và năng lực công việc.
- Tất cả nhân viên muốn tiến bộ lên cấp độ tiếp theo của PWM phải trải qua đào tạo và chứng nhận, để đảm bảo rằng họ đáp ứng các yêu cầu năng lực theo PWM.
PWM và lộ trình thăng tiến trong việc làm ngành thang máy là một bước tiến giúp nâng cao năng lực cho nhân sự, đạt được mức lương tốt hơn tương xứng với bộ kỹ năng tốt hơn. Với lộ trình phát triển sự nghiệp rõ ràng, người lao động trong ngành thang máy sẽ có động lực để nâng cấp kỹ năng, hoạt động tốt hơn và tìm kiếm tiến bộ trong công việc của họ. Các sáng kiến trong lộ trình thăng tiến sẽ bổ sung, cập nhật cho PWM. Với các bước này, ngành thang máy sẽ có vị trí ngày một tốt hơn để thu hút và giữ lại nhân lực chất lượng cho ngành thang máy
Ngành công nghiệp Thang máy Việt Nam sẽ tham khảo được ít nhiều từ gợi ý này./.