Hiệp hội Thang máy Việt Nam công bố Tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy

Sáng ngày 27/3/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Thang máy Việt Nam chính thức công bố Tiêu chuẩn cơ sở đầu tiên của ngành thang máy. Đây là tiêu chuẩn cơ sở về yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy.

Phát biểu tại lễ công bố, ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho biết, tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) là thành quả của sự nghiên cứu nghiêm túc của Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy Việt Nam theo phương pháp lấy thang máy làm cốt lõi, người sử dụng thang máy làm trung tâm, tiêu chuẩn ngành. Đồng thời, TCCS hướng đến mục tiêu giải quyết các vấn đề của các bên liên quan trong việc đảm bảo an toàn thang máy: Chủ sở hữu, người sử dụng thang máy, các cơ quan quản lý nhà nước, các cá nhân công tác trong ngành và cả xã hội.

Ông Nguyễn Hải Đức – Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam phát biểu tại Họp báo Công bố TCCS ngành thang máy

Trình bày về nội dung TCCS, ông Nguyễn Huy Tiến – Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam cho biết, với đặc thù phát triển của ngành thang máy, quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) và tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) hiện hành về thang máy đang tập trung chủ yếu vào các yêu cầu an toàn về thiết kế và lắp đặt – giai đoạn trước khi thang máy được đưa vào sử dụng. Đây là giai đoạn rất quan trọng, các yêu cầu của tiêu chuẩn đã đảm bảo cung cấp đến người sử dụng những thang máy an toàn, phù hợp với các giai đoạn phát triển của ngành.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Tiến: “Chúng ta chưa có, hoặc có chưa đầy đủ các yêu cầu về an toàn trong sử dụng, bảo trì, sửa chữa thang máy.” Ông Nguyễn Huy Tiến cho rằng dựa trên các nhu cầu đó, cần xây dựng tiêu chuẩn ngành để người sử dụng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước,… có căn cứ cho các hoạt động liên quan đến ngành thang máy.

Ông Nguyễn Huy Tiến – Tổng Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam trình bày tóm tắt nội dung TCCS “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy”

Do vậy, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã chủ trình quy hoạch, lập kế hoạch và tiến hành rà soát, giao cho Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy dự thảo, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy.

Đến nay, sau quá trình dự thảo và lấy ý kiến từ của các cá nhân, tổ chức liên quan như doanh nghiệp, người tiêu dùng, chuyên gia của các cơ quan liên quan, cơ quan quản lý nhà nước,… tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy đầu tiên TCCS 01:2023/VNEA về “Yêu cầu an toàn chung trong quản lý, sử dụng, bảo trì và sửa chữa thang máy” đã được hoàn thiện và chính thức công bố.

Tiêu chuẩn cơ sở này lấy TCVN làm gốc, bổ khuyết cho TCVN, phù hợp với tình hình thực tế văn hóa và khả năng phát triển công nghệ trong nước. TCCS không chỉ tập trung vào các yêu cầu an toàn trong giai đoạn sản xuất và lắp đặt mà cả trong quá trình sử dụng, tổ chức vận hành, bảo trì sửa chữa, để tập trung giải quyết các vấn đề của chính doanh nghiệp, giúp hoàn thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh theo xu thế và yêu cầu của xã hội.

TCCS đề ra các tiêu chuẩn, các yêu về về công việc phải thực hiện để đảm bảo thang máy hoạt động an toàn và bền lâu, trong đó có 4 nội dung chính:

1. Các nội dung công việc chi tiết của dịch vụ kỹ thuật thang máy bao gồm: kiểm tra kỹ thuật định kỳ, bảo trì, cứu hộ khẩn cấp, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn, hiện đại hóa thang máy,…

2. Các nội dung yêu cầu chủ sở hữu thang máy và người sử dụng thang máy cần thực hiện đảm bảo điều kiện vận hành, tuân thủ nội quy, các hành vi cần thực hiện trong quá trình sử dụng và tình huống khẩn cấp,…

3. Yêu cầu đối với đơn vị chuyên môn về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tổ chức sắp xếp nhân sự, kế hoạch về định mức công việc, định mức nhân sự đáp ứng công việc,…

4. Yêu cầu về trình độ nhân sự kỹ thuật thang máy theo vai trò chức năng như từ nhân viên kỹ thuật (vận hành, bảo trì) đến chuyên gia tổ chức, quản lý.

Bên cạnh đó, TCCS cũng là tài liệu chính thức đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào nội dung khuyến cáo tuổi thọ thiết bị – vấn đề quan trọng trong vận hành thang máy dựa trên nghiên cứu, đánh giá và tổng hợp cụ thể.

Chủ sở hữu hay cơ quan quản lý nhà nước cũng có thể coi TCCS là cơ sở quan trọng, hữu ích để thiết lập ngân sách và mức giá cho việc bảo trì, sửa chữa cũng như tổ chức các bộ phận quản lý và vận hành thang máy đúng cách.

Đây cũng là nền tảng để nhà sản xuất cũng như các công ty dịch vụ thang máy lập sổ tay tài liệu liên quan và hướng dẫn vận hành thang máy cũng như lập kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Cũng nằm trong nội dung của TCCS 01:2023/VNEA, hệ thống mã định danh thang máy được Hiệp hội Thang máy Việt Nam giới thiệu về hình thức và tính ứng dụng. Thông qua hệ thống tra cứu mã ID và QRcode, mã định danh thang máy giúp minh bạch hóa thông tin về tình trạng thang máy và gia tăng hiệu quả trong công tác quản lý, sửa chữa, cứu hộ,… của người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Tú Linh – Thư ký Hiệp hội Thang máy Việt Nam giới thiệu về dự án Mã định danh và Chứng chỉ kỹ thuật thang máy

Trong thời gian tới, Hiệp hội Thang máy Việt Nam tiếp tục có các hoạt động nhằm ứng dụng TCCS vào thực tế ngành thang máy qua các hoạt động phổ biến tới các nhóm đối tượng liên quan, đào tạo, hướng dẫn và xây dựng các công cụ, hệ thống giám sát, quản lý.

Các đại biểu tham gia Họp báo Công bố TCCS ngành thang máy


Other news

Enterprise introduction

General events