Câu chuyện chiếc thang máy chung cư

Câu chuyện chiếc thang máy chung cư
Lòng kiên nhẫn và thời gian làm được nhiều hơn là sức mạnh hay nhiệt huyết. (La Fontaine)

Đây là câu chuyện có thật ở một chung cư phía Tây Hà Nội. Ra khỏi chiếc thang máy lúc giữa đêm, với ngổn ngang cảm xúc… Tôi trằn trọc đến gần sáng và trở dậy viết ra những dòng này…

Đêm muộn và lạnh tôi mới về đến nhà. Một mình với căn hộ chót vót trên tầng 14 nên ở chung cư này cũng chẳng có mấy người biết đến tôi ngoài gia đình hai bác.

Khác với thường lệ, khuya rồi nhưng đón tôi là Bác gái. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Bác trai đâu mà để bác phải chờ tôi thế này?”

– Ông ấy ốm rồi chú ạ! Cả thằng cháu cũng thế!

Đêm hôm khuya khoắt chẳng có gì phải vội nên chúng tôi cứ thủng thẳng đi lên. Tôi ngạc nhiên:

– Sao sáng nay tôi thấy bác trai và thằng bé vẫn bình thường cơ mà?

Bác gái cúi đầu chép miệng:

– Chuyện dài lắm chú ạ! Hai bác cháu nhà nó cứ cố mãi chứ bệnh ủ lâu rồi nên bây giờ mới ngã ra. Lâu nay, ông nhà tôi và thằng cháu giành hết việc nặng, trừ những lúc quá bận mới để tôi hỗ trợ. May mà trong nhà còn một người chứ không thì khổ, chẳng biết lấy gì mà ăn.

Bác quay mặt vào trong, mắt ngấn nước, lặng lẽ đi tiếp.

– Bác ạ, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Được như gia đình bác là hạnh phúc rồi. Cứ như cháu đây một thân một mình không ai chăm sóc, chia sẻ khi đau ốm nên nhiều khi cũng tủi thân lắm. Gia đình bác quê ở đâu ạ? – Tôi gợi chuyện, hy vọng chia sẻ với bác được phần nào.

Ánh mắt bác ấm lên một chút và trông về xa xăm … Bằng một giọng nhẹ nhàng, chầm chậm của một người quen lầm lũi làm việc trong đêm vắng, bác kể:

– Vợ chồng tôi quê ở xa lắm chú ạ, tận Saitama- Nhật Bản cơ. Chồng tôi thuộc dòng họ thang máy Nippon Elevator nổi tiếng của Nhật cơ đấy, tôi lấy chồng và mang họ của chồng luôn. Khi chung cư này xây xong thì vợ chồng tôi về đây để phục vụ bà con đi lại. Mới đấy mà đã 28 năm rồi.

Chợt như có một niềm vui nào vừa đến, Bác nói tiếp:

– Ngày đó chúng tôi trẻ khỏe, ưa nhìn lắm. Ông nhà tôi được đào tạo để chuyên chở hàng hóa cồng kềnh và người, còn tôi chỉ chở người thôi. Trước khi sang đây chúng tôi được rèn luyện kỹ lưỡng về thể chất, kỹ thuật để luôn tỉnh táo, có sức khỏe làm việc. Ngoài ra, chúng tôi còn được đào tạo về kỹ năng mềm, luôn niềm nở tươi vui với khách, xác định sứ mệnh của mình là phục vụ. Hai vợ chồng phối hợp nhịp nhàng lắm. Ông ấy túc trực ở dưới thì tôi chờ ở trên, khi ông ấy bận chở hàng cồng kềnh thì tôi chở người đi lại. Được phục vụ mọi người, mình vui lắm nên quên đi chuyện không có lấy một mụn con để trông cậy tuổi già.

Tôi ngạc nhiên: “Ô, thế thằng cháu đó không phải con hai bác ạ?

– Nó là con trai của em ruột chồng tôi. Chú nó sang Hàn Quốc mới được khoảng 15 năm nay và sinh con đẻ cái thành chi họ thang máy Nippon Elevator bên đó. Trước kia chỉ có 2 vợ chồng tôi ở đây nên khi không có việc, đêm khuya thanh vắng thì buồn lắm. Khi Nhà nước Việt Nam bổ sung quy định về việc phòng cháy chữa cháy và các kỹ năng mà vợ chồng tôi trước đây không được đào tạo thì thằng cháu được cử sang nên cũng vui cửa vui nhà. Thằng bé được huấn luyện để phục vụ khi có cháy, trang bị sẵn áo giáp để đi lại, có khả năng chịu lửa 1h và chịu khói liên tục. Vì người ta trang bị cho nó hệ thống áo giáp chống nước cấp độ IPx3 nên nếu nước chữa cháy có phun vào thì cũng không sao. Thế hệ trẻ chúng nó được đào tạo, trang bị kỹ hơn chúng tôi nhiều.

Bác nói tiếp:

– Hồi chúng tôi mới sang, khu nhà này có những cô bé, cậu bé được người lớn bế kèm theo bát cháo, cốc sữa. Chúng tôi chở đi lên, đi xuống ăn hết thì thôi. Ban đầu cũng hơi khó chịu vì chuyện đó quá khác bên Nhật. Nhưng thôi, nhập gia tùy tục, mình làm phục vụ thì đành vậy. Vả lại, được nhìn thấy lũ trẻ hớn hở, vui vẻ ăn ngon thì dù mệt, tốn kém của công mình vẫn thấy vui.

Khổ nhất là ông nhà tôi. Thương tôi phụ nữ yếu ớt nên đêm hôm ông ấy để tôi ngủ còn một mình ông ấy phục vụ. Có cái ông ở tầng 13 cứ tối uống rượu say khật khưỡng về là chửi rồi nôn, còn tè ra người ông nhà tôi nữa.

Đành chấp nhận vậy chứ biết sao… Bổn phận của mình là phục vụ mà. Do vậy chỗ hay bị tè cứ viêm đi viêm lại thành mãn tính đến mức ông ấy bị thủng dạ dày một lần. Bà con dùng đá granit vá lại nên cũng ổn. May mà cấp cứu kịp thời, không thì chết!

Tôi ngạc nhiên: “Lại còn có những chuyện đó ạ? Sao tôi không biết nhỉ!”

Bác gái thở dài:

– Chú mới về nên không biết thôi. Lão nát rượu đấy chết cách đây 10 năm rồi. Hôm đấy lão say, cũng tè, cũng nôn vào ông nhà tôi khi ông ấy đưa lão về nhà. Đến sáng hôm sau thì lão chết vì tai biến. Thế là nhà tôi lại phải chở lão ấy xuống xe cấp cứu để ra nhà xác. Rõ khổ, chẳng biết ông nhà tôi và lão đấy có nợ nghiệp gì nhau mà như vậy!”

– Các bác vất vả vậy thì chế độ thế nào ạ?- Tôi hỏi

Bác gái lại thở dài:

– Theo chế độ quy định thì thấy đầy đủ cả. Cứ một đến hai tháng thì được chăm sóc sức khỏe định kỳ, tối đa không được quá 2 tháng. Các chế độ thuốc bổ, chụp chiếu… theo thông báo có hết. Nhưng thực tế thì có được vậy đâu chú. Lúc có, lúc không mà nếu có thì cũng qua loa đại khái, được vài lọ thập toàn đại bổ quá hạn, dăm viêm cảm xuyên hương. May mắn lắm khi có đoàn kiểm tra sắp về thì được tươm tất một tí, sau đó đâu lại hoàn đấy: giấy quảng cáo, rác rưởi, bánh kẹo, tã lót… ném tất lên đầu chúng tôi.

Người đến, kẻ đi nhưng thói đời vẫn vậy. Khi chúng tôi mở cửa thì chen nhau xông vào, không kể gì người già, trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Khi đến tầng thì người trong chưa ra, người ngoài đã chen vào.

Chú ạ, qua bao năm phục vụ tôi thấy người lớn làm hư trẻ con là chủ yếu thôi. Bọn trẻ nó ngây thơ đáng yêu và vâng lời lắm nhưng rồi thấy người lớn làm thế nào là nó theo ngay, dần thành thói quen xấu.

Mà nghĩ cũng thấy tủi cho cái phận của mình. Hôm vừa rồi mấy chị em cùng thời với nhau ở Nhật gửi ảnh sang, thấy họ khỏe mạnh trẻ trung lắm. Chẳng bù cho mình. Âu cũng là số phận. Ông nhà tôi cũng cứ động viên suốt, bảo cố trả nợ hết kiếp này vì kiếp trước chắc mình ăn ở không ra gì.

Lại trở về trạng thái buồn bã, bác nói: “Chẳng biết được, trả nhiều rồi mà hôm nay ông ấy và thằng cháu lại bị hai ông bảo trì đến hí hoáy xong thầm thì bảo nhau rằng: Cho chết 2 con thang này đi để báo giá sửa chữa lấy tiền tiêu tết. Đúng là họa trên trời rơi xuống”.

Tôi thấy quá bức xúc: “Chết dở, sao bác không nói cho mọi người nghe?”

Buông thõng một tiếng thở dài, bác đáp: “Chúng tôi thấp cổ bé họng, có nói cũng không ai tin chú ạ, có khi còn bị chửi là lười và nhiều chuyện. Chú là người tốt bụng nên hôm nay tôi mới dám mở lời”.

Tôi hứa với bác: “Được, mai tôi sẽ báo lên ban Quản lý tòa nhà giải quyết triệt để vấn đề này. Phải làm cho ra nhẽ bác ạ!”

Bác bảo: “Vâng, chú cố gắng giúp chúng tôi. Mà thôi, tôi phải về xem nồi cháo hành nấu cho hai ông cháu để ăn rồi còn uống thuốc. Chú nghỉ đi nhé”.

– Tôi tặng hai bác quyển lịch năm mới của đối tác Nhật Bản mới làm việc với tôi chiều nay, có rất nhiều phong cảnh Nhật Bản trong đây bác ạ.

Tay mân mê quyển lịch, ánh mắt bác sáng lên: “Lại sắp đến năm mới rồi chú nhỉ… Nhanh thật, hồi vợ chồng chúng tôi mới về đây có một bé gái rất xinh xắn và đáng yêu. Ngày nào tôi cũng tranh ông nhà để đưa cô bé đi học. Sau mỗi buổi học về cô bé líu lo đi cùng chúng tôi vui lắm. Vợ chồng tôi chứng kiến con bé lớn lên từng ngày, tốt nghiệp Đại học rồi đi làm và về nhà chồng. Ngày con bé đi lấy chồng, chúng tôi buồn và thấy nhớ lắm. Bố mẹ con bé vẫn ở đây nên chiều 30 tết năm nào chúng tôi cũng được đón vợ chồng, con cái về chúc tết. Mỗi lần như vậy cô bé nhìn chăm chú chúng tôi như muốn chia sẻ điều gì xa xôi và mênh mông của tuổi ấu thơ. Chúng tôi thấy vui vô cùng. Đó dường như là món quà dành cho vợ chồng tôi sau một năm vất vả.”

Khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc, bác lặng lẽ ra về. Ngoài kia gió vẫn rít mạnh. Trời bắt đầu lấm tấm mưa…

Chậm lại một chút, lắng nghe một chút và sẵn sàng chia sẻ một chút, chúng ta sẽ thấy xung quanh mình đang có nhiều câu chuyện như thế!

Tạp chí thang máy chúc bạn và gia đình một năm mới an lành, hạnh phúc!!!

(Theo Gamavietnam.com.vn)


Other news

Enterprise introduction

General events