Cập nhật sáng kiến, xu hướng mới nhất ngành thang máy toàn cầu

Sáng ngày 5/10, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội thảo Thông tin Thang máy Quốc tế PALEA/VNEA do Hiệp hội Thang máy, Thang cuốn Châu Á – Thái Bình Dương (PALEA) tổ chức; Hiệp hội Thang máy Việt Nam (VNEA) là đơn vị chủ nhà đăng cai hội thảo.

Chương trình Hội thảo gồm 6 tham luận, nghiên cứu được trình bày bởi các diễn giả là các chuyên gia, lãnh đạo đến từ các cơ quan an toàn, hiệp hội thang máy trong nước và quốc tế như VNEA, PALEA, Cơ quan An toàn Thang máy Hàn Quốc (KoELSA), Hiệp hội Nhà thầu Thang máy Thang cuốn Hồng Kông (LECA), Ủy ban Kỹ thuật CEN/TC 10,…

Chủ để chính của Hội thảo Thông tin Thang máy Quốc tế PALEA/VNEA tập trung vào các vấn đề xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn an toàn cho ngành thang máy, phân tích những vấn đề cấp thiết của ngành thang máy trong khu vực và quốc tế

Mở đầu hội thảo là bài tham luận với chủ đề “Quy chuẩn, Tiêu chuẩn và Sáng kiến từ VNEA” tập trung vào vấn đề xây dựng Tiêu chuẩn Cơ sở ngành thang máy tại Việt Nam của Tiến sĩ Nguyễn Đức Hạnh, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Ứng dụng Thang máy – VILEA, trực thuộc VNEA.

Trong bài tham luận của mình, ông Nguyễn Đức Hạnh đã đưa ra những thông tin tổng quan về Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia (QCVN) và Tiêu chuẩn Kỹ thuật Quốc gia (TCVN) liên quan tới lĩnh vực thang máy đồng thời chỉ rõ những bất cập hiện hành.

Viện trưởng VILEA trình bày nội dung tham luận tại Hội thảo Thông tin Thang máy Quốc tế PALEA/VNEA

“Hiện QCVN và TCVN liên quan tới thang máy đều đang tập trung chủ yếu vào các yêu cầu an toàn về thiết kế và lắp đặt – giai đoạn trước khi thang máy được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, các yêu cầu về an toàn trong quá trình vận hành và sử dụng thang máy lại chưa có hoặc có nhưng chưa đầy đủ”, Viện trưởng VILEA nhận định.

Đứng trước những yêu cầu cấp thiết của ngành, VNEA đã chủ trì hoạch định, giao cho VILEA tiến hành xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ sở ngành – TCCS/VILEA tập trung giải quyết các vấn đề an toàn chung trong quá trình vận hành và sử dụng thang máy.

Bên cạnh phần tham luận liên quan tới xây dựng Tiêu chuẩn Cơ sở ngành Thang máy Việt Nam, ông Eric Darmenia – Thư ký PALEA, kiêm Cố vấn cấp cao Tập đoàn Jardine Schindler Úc cũng trình bày nghiên cứu của mình trong vấn đề “Thang máy cũ và vấn đề bảo trì, hiện đại hóa”.

Thư ký PALEA Eric Darmenia phát biểu tại hội thảo

“Sự phát triển của công nghệ và tri thức nhân loại đã đem tới nhiều bước đột phá trong thiết kế thang máy và thang cuốn, bởi vậy, các quy định trong lĩnh vực này cũng cần phải thay đổi để theo kịp tốc độ của các giải pháp, tính năng an toàn mới của ngành”, Thư ký PALEA nhấn mạnh.

Theo ông Eric Darmenia, những sự đột phá trong công nghệ thang máy, thang cuốn toàn cầu cũng đưa đến yêu cầu cấp thiết trong nâng cấp, hiện đại hóa các tính năng an toàn cho hệ thống thang máy cũ.

Từ đó, Thư ký PALEA cũng đưa ra những phân tích chuyên sâu về các quy định cũng như đưa ra các giải pháp, phương thức mà hệ thống thang máy cũ có thể được nâng cấp, hiện đại hóa nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn hiện đại.

Vấn đề hiện đại hóa thang máy và những rủi ro về thang máy cũ cũng là một vấn đề nóng được Cục Dịch vụ Cơ Điện Hồng Kông (EMSD) và Nhà thầu Thang máy và Thang cuốn Hồng Kông (LECA) đề cập trong phần tham luận của mình.

Thông quan phần tham luận của mình, hai cơ quan này cũng đưa tới những sáng kiến trong phát triển Nhật ký Kỹ thuật số. Đây là một chương trình nhật ký kỹ thuật số đã được phát triển để tận dụng các công nghệ kỹ thuật số mới, mang lại lợi ích cho người sử dụng, thương mại và công nghiệp.

Đại diện EMSD và LECA trình bày các sáng kiến về chương trình Nhật ký Kỹ thuật số

Vấn đề hài hòa các quy chuẩn, tiêu chuẩn thang máy quốc tế cũng được ông Esfandiar Gharibaan – Chủ tịch Ủy ban Kỹ thuật CEN/TC 10, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Châu Âu (CEN) đề cập trong phần tham luận “Quy chuẩn, Tiêu chuẩn Thang máy toàn cầu và Nỗ lực hài hòa CEN/ISO”.

Chủ tịch CEN/TC 10 đã phân tích về những hoạt động mà Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và CEN cũng như Ủy ban Kỹ thuật CEN/TC 10 đã phối hợp thực hiện xây dựng các bộ tiêu chuẩn quốc tế tập trung vào sự an toàn và chất lượng.

Các bộ tiêu chuẩn quốc tế này không chỉ tăng cường an toàn, chất lượng thang máy toàn cầu mà còn hướng tới thúc đẩy hỗ trợ Thương mại Không rào cản Kỹ thuật Toàn cầu (Global Trade Barrier Free Technology – GTBFT).

Nhìn chung, tất cả các bài tham luận, các vấn đề được đưa ra tại hội thảo đều hướng tới mục tiêu chung là nâng cao an toàn ngành thang máy; hài hòa các quy chuẩn, tiêu chuẩn thang máy toàn cầu hướng tới “thương mại không rào cản”, thúc đẩy thành công phát triển bền vững và mở khóa tăng trưởng xanh cho ngành thang máy.

Hội thảo cũng mời đến đại diện của nhiều doanh nghiệp thang máy Việt Nam như Pacific, Hitachi Việt Nam, Hisa, TK Elevator, ALPEC, Tân Lập, iTek, Mekamic, Vạn Sự Lợi,…


Other news

Enterprise introduction

General events