2024 - Năm “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”

Sáng ngày 15/7/2024, tại Hà Nội, Hiệp hội Thang máy Việt Nam phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức chương trình phát động Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới 2024 với chủ đề “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, lao động trong độ tuổi thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) chiếm khoảng 16% lao động toàn cầu. Sự tham gia tích cực của lực lượng lao động này giúp cho xã hội phát triển, bảo đảm tính bao trùm, ổn định và bền vững, giảm bớt những khó khăn, thách thức từ sự tác động của biến đổi khí hậu, thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng giới, xung đột, di cư,…

Chính vì vậy, tại phiên họp toàn thể vào ngày 18/12/2014, Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 15/7 hằng năm là Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới WYSD (World Youth Skills Day). Đây là được coi là sự kiện quan trọng đánh dấu sự quan tâm của toàn cầu đối với phát triển kỹ năng cho thanh niên.

Đến nay, WYSD đã trở thành ngày hội truyền thống tập trung vào tầm quan trọng chiến lược của việc trang bị cho thanh niên các kỹ năng để có việc làm, công việc tử tế và tinh thần khởi nghiệp. WYSD hướng tới việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư vào các kỹ năng của thanh niên như một phương tiện thúc đẩy việc làm và phát triển bền vững bằng cách: giảm rào cản tiếp cận với thế giới việc làm, đảm bảo các kỹ năng được công nhận, cấp chứng chỉ và cung cấp các cơ hội phát triển kỹ năng.

Theo đó, mỗi năm WYSD đề ra một chủ đề nhằm thực hiện mục tiêu của mình. Năm 2024, chủ đề của WYSD là “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”. Chủ đề này nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong nỗ lực xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột.

Thế giới hiện đang phải đối mặt với vô số thách thức, nhiều thách thức trong số đó ảnh hưởng trực tiếp đến thanh thiếu niên. Xung đột bạo lực làm gián đoạn giáo dục và sự ổn định, môi trường trực tuyến phân cực thúc đẩy sự tiêu cực và bất bình đẳng kinh tế dai dẳng hạn chế các cơ hội. Những vấn đề này không chỉ đe dọa tương lai của cá nhân mà còn đe dọa sự ổn định chung của xã hội. Điều quan trọng là trang bị cho thanh thiếu niên những kỹ năng cần thiết để thúc đẩy văn hóa hòa bình, nuôi dưỡng những công dân toàn cầu có trách nhiệm và thúc đẩy phát triển bền vững để xây dựng một tương lai công bằng, toàn diện và bền vững hơn cho tất cả mọi người.

Là một thành viên của Liên Hợp Quốc, Việt Nam cũng tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động thực hiện mục tiêu của WYSD. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến thanh niên và việc đào tạo, rèn luyện thế hệ trẻ. Người khẳng định: “Muốn thức tỉnh dân tộc phải thức tỉnh thanh niên, vì thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên. Thanh niên là chủ tương lai của đất nước.”

Hưởng ứng Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới 2024, Hiệp hội Thang máy Việt Nam phối hợp cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức chương trình Phát động Kỹ năng Thanh niên vì Hòa bình và Phát triển, diễn ra vào sáng 15/7/2024 tại trụ sở Hiệp hội Thang máy Việt Nam.

Chương trình phát động Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới 2024
Chương trình phát động Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới 2024 với chủ đề "Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển"

Tọa đàm do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì và đại diện các hiệp hội, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp và người lao động, sinh viên cùng tham gia trao đổi.

Với tinh thần “Cải thiện quốc gia bằng sức mạnh của kỹ năng nghề”, nội dung trao đổi tập trung vào các vấn đề về thực trạng, định hướng và các giải pháp nhằm thúc đẩy nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, tạo điều kiện về giáo dục, đào tạo và cơ hội việc làm cho sinh viên, thanh niên.

PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội phát biểu phát động Chương trình PGS.TS. Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội phát biểu phát động Chương trình

Theo Báo cáo 2020 của Tổ chức Năng suất châu Á (APO), năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, so với Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm. Năm 2022, mỗi lao động Việt tạo ra 188 triệu đồng/người/năm; chỉ bằng 11,4% mức năng suất lao động của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan; 79% của Indonesia.

Một trong các lý do được đưa ra là vấn đề trình độ, kỹ năng của người lao động, hiện trạng chất lượng cung lao động vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho nhu cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập.

Tính đến quý II/2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ là 28,1%. Cả nước vẫn còn 37,8 triệu lao động chưa qua đào tạo. Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ qua Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 là tỷ lệ qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Nhiều ngành nghề lĩnh vực vẫn chưa có bộ công cụ đo lường hay hệ thống khảo sát, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.

Phạm Văn Sơn - Chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ chia sẻ tại Chương trình phát động Phạm Văn Sơn - Chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng Chính phủ chia sẻ tại Chương trình phát động

Đối với lĩnh vực thang máy, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã giới thiệu bộ tiêu chuẩn cơ sở ngành thang máy: Tiêu chuẩn kỹ năng nghề và Tiêu chuẩn định mức lao động. Trong đó, Tiêu chuẩn kỹ năng nghề tập trung vào nội dung yêu cầu về các kiến thức và kỹ năng cần thiết của hệ thống nhân lực ngành thang máy trong vận hành, bảo trì; Tiêu chuẩn định mức lao động tập trung vào nội dung các công việc trong bảo trì, sửa chữa thang máy; định mức thời gian và yêu cầu về trình độ nhân lực.

Ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam chia sẻ về các dự án, hoạt động nhằm phát triển kỹ năng, năng lực người lao động ngành thang máy Ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam chia sẻ về các dự án, hoạt động nhằm phát triển kỹ năng, năng lực người lao động ngành thang máy

Cùng với tinh thần thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề, tôn vinh các giá trị, con người, nét đẹp người làm nghề thang máy của người lao động, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã chọn ngày 16/7 hằng năm là ngày kỷ niệm chính thức của ngành thang máy mang tên “Ngày Thang máy Việt Nam” (Vietnam Lift Day).

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Hải Đức, thang máy là sản phẩm hàng hóa thuộc Nhóm 2 có khả năng gây nguy hiểm đến sức khỏe của người sử dụng và kỹ thuật thang máy là một nghề nguy hiểm, độc hại, kỹ thuật phức tạp,…

Tuy nhiên, xã hội, cộng đồng chưa có sự quan tâm đúng mực về người làm nghề thang máy – nghề của phương tiện vận chuyển có năng suất cao nhất toàn cầu với 325 triệu lượt hành khách đi thang máy mỗi ngày và chỉ mất 3 ngày để các thang máy chở toàn bộ dân số trên trái đất. Bên cạnh đó, kỹ thuật thang máy cũng là nghề xương sống đáp ứng lưu thông cho quá trình đô thị hóa đất nước.

Do đó, Ngày Thang máy Việt Nam sẽ là dịp để lan tỏa thông điệp về ý nghĩa, vai trò, giá trị của nghề kỹ thuật thang máy, sức ảnh hưởng và khả năng đóng góp cho xã hội. Song song với đó, đây cũng là dịp để những người trong nghề nhận thức về tầm quan trọng của đạo đức và kỹ năng nghề phụng sự xã hội. Từ đó, xây dựng sự tự hào và niềm đam mê nghề thang máy của thanh niên, sinh viên.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm Chương trình phát động Ngày Kỹ năng Thanh niên Thế giới 2024


Other news

Enterprise introduction

General events